Đặc biệt, phong trào đã thấm nhuần và lan tỏa mạnh mẽ trong các hoạt động nghề nghiệp, hoạt động công tác Hội năm qua.
1. Ngay sau khi phong trào thi đua được phát động, các cấp Hội Nhà báo đã kịp thời cụ thể hóa, triển khai đến người làm báo, hội viên ở các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo. Nội dung phong trào thi đua phù hợp với tình hình thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo từ Trung ương đến địa phương… Phong trào đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, rộng rãi của giới báo chí trong cả nước, đáp ứng nhu cầu thiết thực trong đời sống báo chí nói chung và hoạt động tác nghiệp của những người làm báo nói riêng.
Theo đó, đã có nhiều cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo thực hiện ký giao ước thi đua; liên tục phổ biến, quán triệt nội dung, ý nghĩa của Phong trào và Tiêu chí tới người làm báo, hội viên, người lao động; động viên toàn thể cơ quan nhiệt tình hưởng ứng; Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Phong trào trong đó chú trọng đưa nội dung Tiêu chí vào nội quy hoạt động và quy trình tác nghiệp của cơ quan, đề cao yếu tố văn hóa trong sáng tạo tác phẩm báo chí, trong đánh giá chất lượng tác phẩm, lồng ghép nội dung của Tiêu chí vào sinh hoạt cơ quan, các hội nghị sơ kết, tổng kết; đưa Tiêu chí vào tiêu chuẩn bình xét thi đua, khen thưởng; tăng cường đưa nội dung văn hóa báo chí vào các buổi sinh hoạt hội, hội nghị, hội thảo, đào tạo, bồi dưỡng chính trị, đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ… và trong từng sản phẩm báo chí.
Nổi bật năm qua là những cách làm hay, sáng tạo của các cấp Hội, cơ quan báo chí, người làm báo, hội viên trong thực hiện phong trào thi đua. Nhiều đơn vị tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện Phong trào thi đua như: Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng; Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Kon Tum, Trà Vinh, Vĩnh Long; Liên Chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân, Chi hội Nhà báo Báo Nông thôn ngày nay, Chi hội Nhà báo Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Thanh tra…
Đặc biệt, Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo báo chí với chủ đề “Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và Người làm báo văn hóa” thu hút sự tham gia trao đổi của nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài địa phương, các cơ quan quản lý báo chí của tỉnh.
Đây là một trong những hình thức nhằm cụ thể hóa việc phát động phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong hoạt động báo chí của Bắc Giang nói riêng và người làm báo trong khu vực các tỉnh phía Bắc nói chung. Các Liên Chi hội có cách làm hiệu quả, sáng tạo như Đài Tiếng nói Việt Nam, Cơ quan Trung ương Hội, Báo Quân đội nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đặc biệt, Liên Chi hội Báo Quân đội nhân dân tổ chức phong trào thi đua có chủ đề thiết thực, sâu sắc: “Trách nhiệm, chính quy, chuyên nghiệp và nhân văn”, tổ chức tọa đàm “Văn hóa nhà báo chiến sĩ”, sinh hoạt nghiệp vụ “Văn hóa báo chí và trách nhiệm của người làm báo”, “Đạo đức người làm báo”.
Liên Chi hội Cơ quan Trung ương Hội tổ chức Lễ ký giao ước thi đua, tổ chức tọa đàm “Văn hóa của người làm báo” làm sâu sắc thêm nội dung, ý nghĩa của phong trào; Chi hội Nhà báo Báo điện tử Chính phủ tham mưu cấp ủy, Ban Biên tập ban hành Kế hoạch giai đoạn 2022-2025 với chủ đề “Chuẩn mực – chuyên nghiệp – trung thực – văn minh; Chi hội Báo Nông thôn ngày nay phát động phong trào thi đua và triển khai thực hiện Quy tắc 5 có – 5 không…”.
2. Có thể thấy rằng, cùng với việc tiếp tục thực hiện 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, việc triển khai phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” trong thời điểm hiện nay và thời gian tới là một cách thức nhằm chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương, góp phần giúp mỗi cơ quan báo chí, người làm báo tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong “sứ mệnh của người cầm bút”. Qua việc thực hiện phong trào thi đua, nhiều cơ quan báo chí, các cấp Hội đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động.
Đánh giá về một năm triển khai thực hiện phong trào này, nhà báo Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định: “Phong trào này đã thực sự đi vào đời sống, hoạt động tác nghiệp của những người làm báo. Hiện tượng những người làm báo có hành vi thiếu văn hóa trong hoạt động tác nghiệp của mình đã được khắc phục, hạn chế. Đặc biệt, hàm lượng văn hóa trong các tác phẩm báo chí đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều cơ quan báo chí đã mở thêm các chuyên mục, ấn phẩm về văn hóa…”.
Ngoài ra, phong trào này cũng như một cách “xốc lại” hoạt động, đã giúp phần lớn cơ quan báo chí xác định được vấn đề nổi cộm, cấp thiết để tập trung giải quyết như: việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, kịp thời chấn chỉnh việc phát ngôn không phù hợp trên mạng xã hội của một số rất ít nhà báo. Cấp ủy, người đứng đầu cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, triển khai thực hiện nội quy, quy chế hoạt động của cơ quan báo chí, xây dựng môi trường làm việc tích cực, năng động, sáng tạo. Nhiều Liên Chi hội còn phối hợp với Ban Biên tập thực hiện một số tuyến bài, tuyên truyền cho phong trào, trong đó có việc xây dựng môi trường văn hóa số và duy trì thực hiện phong trào thi đua…
3. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các nhà báo phải trung thực, coi đó như một tiêu chuẩn đạo đức của người làm báo. Rèn giũa đạo đức nghề nghiệp, vì thế phải là công việc liên tục của những người làm báo, là nhiệm vụ thường xuyên phải được chú trọng của các cấp Hội Nhà báo. Thấm nhuần lời dạy của Người, việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, văn hóa báo chí phải tiếp tục là tâm thế thi đua thường xuyên, thực chất trong mỗi trái tim người làm báo, tại mỗi cơ quan báo chí hôm nay.
Thêm vào đó, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo của các cấp Hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Phong trào thi đua đã phát động song một số cấp Hội việc thực hiện chưa kịp thời, vẫn mang tính hình thức, chưa hiện thực hóa phong trào vào hoạt động của đơn vị…
Chính bởi vậy, thời gian tới, để phong trào lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, có sự tác động thực chất hơn nữa tới hoạt động tác nghiệp của mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo, nhà báo Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, điều quan trọng là mỗi người làm báo phải tự trau dồi bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp. Việc rèn luyện đối với một nhà báo là một quá trình liên tục, không ngừng nghỉ. Vì thế, tâm thế của người làm báo là vừa làm nghề vừa học, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân để luôn giữ tâm sáng và có những tác phẩm báo chí thật sự có giá trị, mang hàm lượng văn hóa cao đối với bạn đọc.
Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng và ban hành 12 tiêu chí “Cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam”; đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn cách thức triển khai phong trào này. Tuy nhiên, việc quan trọng và cần thiết hơn chính là các cơ quan báo chí và mỗi người làm báo phải tự nguyện tham gia phong trào này một cách thiết thực và hiệu quả. Tuyệt đối tránh hiện tượng “đánh trống bỏ dùi”, “phát” chứ không “động”, phải thực sự đòi hỏi tính tự giác cao của các cơ quan báo chí cũng như những người làm báo.
Đặc biệt, lãnh đạo các cơ quan báo chí phải nhận thấy đây là một nhiệm vụ, trách nhiệm quan trọng, xem việc xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí là một nhiệm vụ quan trọng để thực hiện đúng yêu cầu của phong trào. “Cần phải nhấn mạnh rằng, đây là một phong trào dài hơi, không chỉ phát động trong thời gian ngắn, mà phải trở thành một nếp sinh hoạt thường xuyên, lâu dài đối với các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo có văn hóa. Làm sao để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” – nhà báo Nguyễn Đức Lợi khẳng định.
Sông Mây