Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát, giám sát, thanh tra vi phạm trong thương mại điện tử, đặc biệt với các nền tảng số xuyên biên giới.
Nhiều hình thức vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử
Thời gian qua, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng tất yếu của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều thách thức cho giao dịch trên không gian mạng, công tác quản lý giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, thời gian qua, công tác thực thi pháp luật về thương mại điện tử luôn được chú trọng.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ảnh: Ngọc Châm |
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) diễn ra sáng ngày 3/1 cho thấy, trong năm 2024, Cục đã tiếp nhận hồ sơ, tư vấn hỗ trợ 8.794 doanh nghiệp, tổ chức và 1.520 cá nhân đăng ký tài khoản; thực hiện thủ tục thông báo cho 13.340 website thương mại điện tử và 583 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thực hiện thủ tục đăng ký; tiếp nhận và xử lý 165 lượt phản ánh, trong đó bao gồm các hành vi vi phạm chính như không đăng ký, thông báo website/ứng dụng, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng…
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công An) phát hiện trường hợp có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu với quy mô, số lượng lớn các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, giầy dép… với hàng triệu đơn hàng đã bán. Đoàn kiểm tra đã tạm thu giữ 125.088 sản phẩm các loại bao gồm thực phẩm, mỹ phẩm…
Ngoài ra, đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử gỡ bỏ nhiều sản phẩm từ động vật hoang dã như mật gấu, ngà voi, nanh răng hổ…; rà soát, cung cấp thông tin nhiều website thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm hành chính cho Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Trị, tỉnh Hà Nam, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Điện Biên để xử lý theo thẩm quyền 9 website trong năm 2024.
Ngoài việc trực tiếp chủ trì các cuộc thanh tra, kiểm tra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp tham gia các Đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Sở Công Thương TP. Hà Nội và một số địa phương trong công tác thực hiện kiểm tra một số đơn vị có website thương mại điện tử.
Đặc biệt, với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động không phép, Cục đã ban hành văn bản yêu cầu đơn vị liên quan thuộc Bộ đẩy mạnh quản lý về thương mại điện tử, trong đó nêu một số giải pháp cần thực hiện ngay đối với nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới; phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng chưa được cấp đăng ký.
Tăng cường truyền thông hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein nói riêng, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký…
Đẩy mạnh công tác giám sát, thực thi
Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực song chia sẻ tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh cũng thẳng thắn nhìn nhận còn không ít hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục.
Mặc dù Nghị định 85/2021/NĐ-CP đã có các quy định ban đầu về các điều kiện áp dụng cho chủ thể cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước còn gặp khó khăn trong công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Nhiều nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp phép hoặc đang trong quá trình cấp phép vẫn thực hiện cung cấp dịch vụ thương mại điện tại Việt Nam, bán các sản phẩm, hàng hóa xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam với giá cả thấp, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tiêu thụ nội địa, áp lực cạnh tranh với các nền tảng thương mại điện tử nội địa và tác động lớn đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Hoạt động livestreams bán hàng đang là xu hướng phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử song quy định pháp lý về thương mại điện tử mới chỉ điều chỉnh chung giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm với bán hàng, mà chưa có quy định riêng rẽ về các chủ thể tham gia livestream, các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, trình độ chuyên môn của người thực hiện livestreams, định danh chủ tài khoản và những vấn đề về kiểm soát thông tin trong quá trình phát livestreams…
Vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng… cũng đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước cần có công cụ quản lý hiệu quả hơn.
Kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên nền tảng thương mại điện tử. Ảnh minh họa |
Với vai trò của mình, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã đề xuất, kiến nghị Bộ Công Thương tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc yêu cầu các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tuân thủ pháp luật về thương mại điện tử, pháp luật về thuế, pháp luật về an toàn dữ liệu cá nhân…
Tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện hạ tầng chính sách pháp luật cho thương mại điện tử; nghiên cứu, đề xuất việc ban hành Luật chuyên ngành về thương mại điện tử; tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, kết nối liên kết vùng thông qua thương mại điện tử như một công cụ hữu hiệu để kết nối thị trường nội địa, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. Mặt khác, thương mại điện tử xuyên biên giới cũng cần đẩy mạnh như một kênh tăng cường năng lực xuất khẩu, mở rộng thị trường và kết nối đối tác nhanh chóng trên môi trường internet…
Trong năm 2025, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các chiến lược, trong đó trọng tâm là hoàn thiện cải cách thể chế, chính sách pháp luật về thương mại điện tử thông qua công tác xây dựng Luật chuyên ngành về thương mại điện tử, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026-2030; tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát, thực thi pháp luật trong thương mại điện tử; tăng cường triển khai thương mại điện tử xuyên biên giới như một công cụ xuất khẩu hữu hiệu… |
Nguồn: https://congthuong.vn/tiep-tuc-ra-soat-vi-pham-trong-thuong-mai-dien-tu-367763.html