(MPI) – Tại phiên thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, các đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu đề ra, trong đó nhấn mạnh đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn |
Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phục hồi, phát triển
Đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng, những tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025 là khoảng thời gian có ý nghĩa rất quan trọng trong tập trung hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu Nghị quyết đại hội XIII của Đảng. Theo đó, Đại biểu nêu một số nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, trong đó cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính, lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phục hồi, phát triển.
Tăng cường công tác quản lý, tập trung thực hiện các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kết nối, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nghiên cứu cơ chế cho phép địa phương được điều chuyển nguồn vốn từ các dự án chậm, kém hiệu quả sang dự án trọng điểm khác để phát huy nguồn lực đầu tư.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập, chưa có số liệu lao động đi xuất khẩu lao động năm 2024. Thị trường lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng lao động khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Đồng thời tỷ lệ lao động thất nghiệp còn cao. Công tác định hướng nghề nghiệp phân luồng học sinh theo quyết định Thủ tướng Chính phủ chưa đạt mục tiêu đề ra.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh kiến nghị Quốc hội và Chính phủ một số giải pháp như nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, có kế hoạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường để giải quyết việc làm cho lao động.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề nghiệp với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp; chú trọng xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Tăng cường hỗ trợ tín dụng cho thanh niên khởi nghiệp để tạo thêm việc làm, hoàn thiện việc thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho thanh niên để tìm và tự tạo việc làm…
Cũng liên quan đến vấn đề doang nghiệp, Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, doanh nghiệp ở Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, trình độ năng lực cạnh tranh còn thấp, tiềm lực tài chính hạn chế, lao động chủ yếu là lao động phổ thông, xuất thân nông thôn. Trong thời gian qua, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề cho người lao động chỉ 36%. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động còn phức tạp về thủ tục.
Việc đặt hàng đào tạo chưa thu hút được doanh nghiệp khi còn có những rào cản về chi phí, trang thiết bị giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong quản lý, phát triển chương trình đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thiếu đội ngũ giáo viên đạt chuẩn phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo, quy mô đào tạo, chưa đảm bảo tương xứng với tiềm năng và yêu cầu về nhân lực có kỹ năng nghề. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở đô thị lớn không đủ diện tích để giảng dạy, thực hành.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị nghiên cứu để có chính sách cụ thể trong đào tạo nghề gắn với thực tiễn chất lượng nguồn lao động, thị trường lao động cũng như đặc thù kinh tế – xã hội của từng địa phương, từng bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nguồn lao động, góp phần đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu về lao động qua đào tạo mà kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, cần đầu tư thiết bị máy móc hiện đại phục vụ cho giảng dạy ở các trường nghề để đảm bảo phù hợp với thực tế, xu hướng phát triển của xã hội, của doanh nghiệp, hạn chế lãng phí ở các cơ sở đào tạo. Ngoài ra, đại biểu đề nghị tăng mức hỗ trợ học nghề đối với đối tượng lao động thất nghiệp.
Đại biểu Trình Lam Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đánh giá cao công tác điều hành rất chủ động và quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội thời gian qua. Để đạt được mục tiêu đề ra trong những tháng còn lại của năm 2024, đại biểu đề xuất Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản nhằm chủ động và kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả các giải pháp tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống, nhất là xuất khẩu; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới.
Đại biểu cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ở mức kỷ lục, điều này cho thấy sự phục hồi sản xuất trong nước và cầu tiêu dùng của các thị trường. Trong đó, xuất khẩu khu vực FDI đạt tỷ trọng cao cho thấy các doanh nghiệp của khu vực này đang làm ăn rất tốt, trên cơ sở các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ của nhà nước; thể hiện qua việc nhiều tập đoàn lớn đến nghiên cứu và cam kết đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo…
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cho thấy các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách, nhằm giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn, nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước trước sự xâm nhập của hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài, thông qua thương mại điện tử và mạng xã hội.
Đột phá, mạnh mẽ hơn về thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch
Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng bày tỏ đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025, trong đó có giải pháp đột phá, mạnh mẽ hơn về thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch. Đồng thời nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030 được đặt ra theo Nghị quyết số 41 ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Theo đại biểu Lã Thanh Tân, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã thể chế mạnh mẽ chế định, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Cộng đồng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế liên tục phát triển về số lượng và chất lượng, từng bước đã trở thành lực lượng trung tâm của nền kinh tế, đến nay có khoảng 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, mặc dù số lượng này cũng chưa được như kỳ vọng. Môi trường kinh doanh ở nước ta đã thông thoáng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn than phiền về những rủi ro họ gặp phải ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp, đó là những điều kiện kinh doanh hay các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất khó thực thi. Hệ quả của tình trạng này là tạo ra nhiều rào cản, hạn chế quyền tự do kinh doanh và phát sinh nhiều rủi ro đối với doanh nghiệp, như gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện, phát sinh chi phí không chính thức,… Điều này cũng dẫn đến doanh nghiệp phải trì hoãn, thậm chí hủy bỏ kế hoạch kinh doanh, gây lãng phí cả về thời gian, nguồn lực và cơ hội kinh doanh, đây cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng doanh nghiệp Việt Nam chậm lớn trong thời gian qua.
Tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bỏ quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, để tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, tăng cường chế độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm, dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước. Đây chính là sự đổi mới công tác lập pháp theo hướng vừa đảm bảo quản lý nhà nước, vừa khơi thông nguồn lực để phát triển và sự quyết tâm từ bỏ tư duy không quản được thì cấm và phòng, chống lãng phí trong công tác xây dựng pháp luật theo tinh thần định hướng của Trung ương, đồng thời cũng cho thấy việc cắt giảm điều kiện kinh doanh là có thể thực hiện được.
Mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp đang là một thách thức rất lớn, do đó cùng với các giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cắt giảm thủ tục hành chính mà Chính phủ đang quyết liệt triển khai, doanh nghiệp, doanh nhân rất cần các giải pháp đồng bộ, tạo sự đột phá, cần có sự hậu thuẫn của Nhà nước để tạo sinh khí, khích lệ, đào tạo, đồng hành. Sự đổi mới nói trên sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp, tham gia vào thị trường.
Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh để phân loại, có biện pháp xử lý, tháo gỡ rào cản trong thể chế về các điều kiện kinh doanh như những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đã nêu ở trên. Trong đó cần dứt khoát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không được ban hành trong các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên theo quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư năm 2020.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh đến những thiệt hại, hậu quả nặng nề do 2 cơn bão Yagi và Trà My gây ra và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh hỗ trợ các ngành, lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng nề; Xây dựng đề án tái thiết nền kinh tế sau bão, thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các doanh nghiệp, tổ chức, người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại; Ưu tiên bố trí nguồn lực để sớm khắc phục các sự cố, hư hỏng về hệ thống giao thông, đê điều, hồ chứa thủy lợi.
Đồng thời đề nghị cần quan tâm, cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại; Bổ sung nguồn lực được thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội; Hướng dẫn cách thức xác định mức độ thiệt hại xảy ra trên phạm vi rộng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, trong đó có tài sản hình thành từ nguồn vốn vay để làm cơ sở thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ; Có cơ chế cho vay không có tài sản đảm bảo, cơ chế riêng về phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai; rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp để khôi phục sản xuất./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-11-5/Tiep-tuc-ra-soat-sua-doi-bo-sung-cac-co-che-chinh-852jx0.aspx