Chiều 11/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết Dự án VIE071 Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam. Tham dự Hội nghị có TS Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT Việt Nam cùng lãnh đạo các Ban Trung ương Hội; bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế tại Việt Nam (HAI); bà Caryn Bredenkamp, Giám đốc Y tế, Dinh dưỡng và Dân số Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB); bà Emiko Masaki, Chuyên gia cấp cao về Kinh tế, Y tế (WB), Chủ nhiệm Dự án; bà Nguyễn Thị Nga, chuyên gia Bảo trợ xã hội, đồng Chủ nhiệm Dự án; ông Sasaki Shohei, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản và bà Imanari Yuriko, Cố vấn chương trình, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); đại diện Uỷ ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội LHPN Việt Nam…
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Dự án VIE071 giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam, với mục tiêu giảm tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT qua tăng cường sự tham gia của NCT trong hoạt động tạo thu nhập và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội dựa vào cộng đồng. Dự án được Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản (JSDF) Uỷ thác qua Ngân hàng Thế giới (WB); do Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế tại Việt Nam (HAI) và Hội NCT các tỉnh, thành phố (Hoà Bình, Thanh Hoá, Quảng Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận) hợp tác thực hiện, với sự hỗ trợ kĩ thuật từ Trung ương Hội NCT Việt Nam. Trong 4 năm triển khai, Dự án đã thành lập 186 CLB tại 186 xã thuộc 6 tỉnh, thành phố; tính đến tháng 12/2024, đã có 35.587 người hưởng lợi trực tiếp, 92.314 người được hưởng lợi gián tiếp từ Dự án.
Quang cảnh Hội nghị |
Tại Hội nghị, bà Caryn Bredenkamp, ông Trương Xuân Cừ, bà Trần Bích Thủy cho rằng: Việt Nam nằm trong số quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới, do đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT ngày càng gia tăng. Quá trình đô thị hoá nhanh cũng phát sinh nhu cầu và các mô hình chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng. Dự án là cơ hội để cán bộ, hội viên NCT và Ban Chủ nhiệm các CLB giao lưu, chia sẻ, học tập kinh nghiệm, qua đó làm tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò NCT.
Chia sẻ tại Hội nghị, các đại biểu đều đánh giá mô hình CLB LTHTGN mang tính nhân văn sâu sắc, là sáng kiến, mô hình tốt thực hiện hiệu quả công tác NCT và an sinh xã hội ở địa phương. Đồng thời chung tay giải quyết vấn đề, ứng phó già hoá dân số; vừa chăm sóc sức khỏe, tăng thu nhập vừa thúc đẩy sự tham gia của NCT vào các hoạt động cộng đồng, phát huy vai trò của NCT để tự chăm sóc bản thân và giúp đỡ gia đình, xã hội…
Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT Việt Nam Trương Xuân Cừ phát biểu tại Hội nghị |
Sau 4 năm triển khai, Dự án được đánh giá đạt yêu cầu đề ra; cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần sức khỏe cho NCT. Cải thiện kĩ năng chăm sóc sức khỏe, sử dụng thiết bị y tế tại thôn bản, góp phần giảm gánh nặng cho y tế tuyến trên. Lan tỏa giá trị nhân văn, trách nhiệm của thế hệ trẻ với NCT trong xã hội; tạo thu nhập thường xuyên và ổn định cho NCT… Qua triển khai, mô hình cũng khẳng định tính bền vững và thành công từ việc nhân rộng mô hình đã đáp ứng các nhu cầu về tinh thần, thể chất và tài chính của NCT… Mong muốn nhân rộng mô hình ở các địa phương, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Thay mặt lãnh đạo Hội NCT Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Trương Xuân Cừ cảm ơn và đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức HAI và các tổ chức quốc tế hỗ trợ, tạo điều kiện để tiếp tục nhân rộng mô hình ở Việt Nam và trong khu vực…
Nguồn: https://ngaymoionline.com.vn/tiep-tuc-nhan-rong-mo-hinh-o-viet-nam-va-trong-khu-vuc-56649.html