Xe buýt Cần Thơ tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, chú trọng đến việc giáo dục, thái độ của đội ngũ lái xe, tiếp viên chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Cạnh đó, không ngừng mở rộng mạng lưới tuyến để tăng cường năng lực kết nối.
Trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện đang khai thác 11 tuyến xe buýt nội thành theo hình thức không trợ giá. Công ty cổ phần Phương Trang FUTA Bus Lines (Phương Trang) khai thác.
Số này có một tuyến hiện đang tạm ngưng hoạt động đó là tuyến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ – bến xe khách Trung tâm thành phố Cần Thơ.
Các tuyến đang hoạt động là: Ba Láng – Ô Môn; Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ – thị trấn Phong Điền – khu di tích lịch sử Ông Hào; Ô Môn – ngã ba Lộ Tẻ; Ô Môn – Vĩnh Thạnh; ngã ba Lộ Tẻ – Kinh B – kéo dài bến xe tỉnh Kiên Giang; ngã ba Lộ Tẻ – thị trấn Cờ Đỏ; Cần Thơ – Giai Xuân – Phong Điền; Phong Điền – Lộ Tẻ Ba Se – Ô Môn; Phong Điền – Thới Lai; Ba Láng – khu công nghiệp Trà Nóc – Ô Môn.
Theo Trung tâm Quản lý Điều hành Giao thông Đô thị (Sở GTVT thành phố Cần Thơ), Phương Trang đã đưa 69 phương tiện vào phục vụ khai thác đối với các tuyến nói trên. Các xe đều là đời mới, tiện nghi và hiện đại.
Cùng với giá vé phù hợp từ đó đã làm thay đổi quan niệm của người dân trên địa bàn thành phố về hình ảnh xe buýt. Người dân ngày càng quan tâm và sử dụng xe buýt làm nhu cầu đi lại.
Theo thống kê, 8 tháng đầu năm 2024, sản lượng vận tải hành khách khoảng 557.438 người, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, loại hình vận tải hành khách này vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định.
Cụ thể, một số tuyến lượng khách vắng do điểm cuối chưa được kết nối đối lưu các tuyến xe buýt liền kề vùng lân cận.
Cạnh đó, người dân, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp như công nhân lao động trong các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên vẫn đang chọn phương tiện xe cá nhân khi đi lại mà chưa ưu tiên lựa chọn phương tiện di chuyển là xe buýt.
Mặt khác, các bến xe buýt hiện đang khai thác là bến tạm, cơ sở vật chất hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng nên cũng ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị vận tải.
“Về cơ chế, chính sách trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại thành phố Cần Thơ vẫn chưa trợ giá. Chính vì vậy, các tuyến buýt đang khai thác chưa đảm bảo tần suất hoạt động ổn định, mạng lưới chưa thật sự phát triển rộng khắp do việc lo ngại không đảm bảo doanh thu hoạt động của đơn vị vận tải khi tham gia đầu tư các tuyến mới”, Trung tâm Quản lý Điều hành Giao thông Đô thị cho biết thêm.
Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong thời gian tới, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị cho hay sẽ phối hợp với Phương Trang tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ.
Trong đó chú trọng đến việc giáo dục, nâng cao ý thức, thái độ của đội ngũ lái xe, tiếp viên chấp hành các quy định về an toàn giao thông.
Đồng thời, điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt hiện hữu, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tiếp tục mở rộng mạng lưới tuyến để tăng cường năng lực kết nối hiệu quả giữa các xã, phường, thị trấn, quận, huyện đến trung tâm thành phố và khu vực các tỉnh lân cận.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tiep-tuc-nang-cao-chat-luong-xe-buyt-can-tho-192241027150719709.htm