Nhiều mô hình hiệu quả
Quảng Nam có 213.000 người theo các tôn giáo, chiếm khoảng 15% dân số trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam với Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam và 12 tổ chức tôn giáo trên địa bàn đã triển khai lồng ghép vào triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đặc biệt là phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” và nhận được sự ủng hộ đồng tình của các tổ chức, cá nhân, cũng như các cộng đồng tôn giáo.
Ông Nguyễn Phi Hùng – Phó Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho biết, nhiều địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã phối hợp với UBND cùng cấp và các cơ sở thờ tự ký kết và triển khai thực hiện, như TP Hội An là mô hình tuyến đường tự quản về “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” được triển khai đến tất cả các cơ sở tôn giáo; Huyện Núi Thành là mô hình “Tổ đoàn kết tôn giáo với công tác bảo vệ môi trường” được tổ chức tại chùa Long Quang và nhiều cơ sở tôn giáo khác nữa.
Hằng năm, hưởng ứng ngày môi trường thế giới, nhiều cơ sở thờ tự các tôn giáo cùng chính quyền thực hiện mô hình trồng cây xanh, góp phần chung tay bảo vệ môi trường.
Tại tịnh xá Ngọc Truyền ở phường Cẩm Phô, TP. Hội An là địa điểm du lịch thường xuyên có nhiều du khách đến tham quan. Chính vì vậy, việc nâng cao ý thức người dân trong giữ gìn di tích và bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Đại đức Thích Giác Nhẫn, trụ trì Tịnh xá Ngọc Truyền cho biết, trong khuôn viên của tịnh xá trồng nhiều cây xanh và lắp đặt các thùng rác để phục vụ nhu cầu của Phật tử gìn giữ cảnh quan môi trường.
Trong các buổi thuyết pháp, Đại đức Thích Giác Nhẫn cũng thường xuyên vận động phật tử hạn chế sử dụng túi ni lông, phân loại rác thải tại nguồn. Ngoài ra, Tịnh xá cũng thường xuyên tổ chức các buổi Chủ nhật Xanh – sạch – đẹp để các sư thầy, Phật tử và người dân xung quanh dọn vệ sinh, xây dựng đoạn đường nở hoa để tạo ấn tượng đẹp với du khách khắp nơi mỗi khi đến thắp hương hay vãn cảnh chùa.
“Tịnh xá luôn được các phật tử nơi đây gìn giữ sạch sẽ. Nhiều Phật tử còn dành thời gian, công đức để chăm chút cây cối, cảnh quan và bảo vệ môi trường để phật tử và du khách thập phương đến đây sẽ được hoà vào không gian yên ả, trong lành, trút bỏ mọi vấn vương bụi trần”- Đại đức Thích Giác Nhẫn chia sẻ.
Cũng theo Đại đức Thích Giác Nhẫn, vừa qua, Mặt trận của thành phố và Tịnh xá đã phát động lễ “Giảm thiểu sử dụng túi ni lông”, qua đó phát hơn 50 giỏ đi chợ cho bà con phật tử Tịnh xá. Vận động các gia đình phật tử hạn chế sử dụng túi ni lông để bảo vệ môi trường.
Tiếp tục triển khai hiệu quả
Để tiếp tục nhân rộng và lan toả hiệu quả vai trò các tổ chức tôn giáo bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới, nhiều địa phương tại Quảng Nam đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường giai đoạn 2021 – 2025 giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và Phòng TN&MT. Điển hình như tại huyện Nam Giang, địa phương phấn đấu đến năm 2025 xây dựng ít nhất 2 mô hình điểm về bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư.
Tại các địa phương khác cũng triển khai mô hình tôn giáo bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới như Hội thánh Truyền giáo Cao đài Quảng Nam (phường Tân An, Hội An) và chùa Phước Quang (xã Bình Phú, Thăng Bình). Thời gian thực hiện từ tháng 6/2022 – 6/2024 với 5 hoạt động trọng tâm: tổ chức hội nghị tuyên tuyền; tuyên truyền trực quan; vận động ký cam kết; hiệp thương với các tổ chức thành viên tổ chức các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện mô hình; công tác sơ kết, tổng kết.
Thông qua mô hình nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong sinh hoạt hằng ngày tại hộ gia đình tín đồ tôn giáo, cộng đồng dân cư, cơ sở thờ tự tôn giáo. Hướng dẫn và hỗ trợ các tôn giáo đồng hành vận động gia đình tín đồ tham gia chỉnh trang khuôn viên nhà vườn, trồng cây tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp, môi trường thông thoáng, góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Xác định trách nhiệm chủ trì, hiệp thương giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã với các tổ chức thành viên có liên quan tham gia hỗ trợ gia đình đoàn viên, hội viên, gia đình tín đồ các tôn giáo thực hiện mô hình hiệu quả. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì soạn thảo mẫu cam kết, tùy vào điều kiện thực tế, các địa phương thực hiện mô hình điểm tuyên truyền vận động hộ gia đình, cộng đồng dân cư và cơ sở thờ tự các tôn giáo cam kết chung tay bảo vệ môi trường “xanh-sạch-đẹp”.
Theo đó, hộ gia đình cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, hương ước thôn, khối phố về bảo vệ môi trường; thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến nơi quy định; xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định; không để vật nuôi gây mất vệ sinh trong khu dân cư; chi trả kinh phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo đúng quy định pháp luật; tích cực tham gia hoạt động bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư; trong nhà, ngoài ngõ luôn được quét dọn sạch sẽ; khuôn viên nhà ở được chỉnh trang theo hướng xanh- sạch- đẹp.
Đối với cộng đồng dân cư, tham gia sửa đổi, bổ sung nội dung bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vào hương ước, quy ước thôn, khối phố; cụm dân cư có địa điểm lưu giữ tạm thời chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường trước khi vận chuyển đến địa điểm xử lý theo quy định.