Đây là sự kiện ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 – 7.5.2024) và 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2024).
Hội thảo tập trung thảo luận về hoàn cảnh lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ, âm mưu của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong Kế hoạch Navarre; chủ trương, đường lối, sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính trị, quân sự, ngoại giao; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy Chiến dịch, trong đó có vai trò của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp – Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch.
Tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm của quân và dân Việt Nam; sự phối hợp giữa các địa phương, các lực lượng vũ trang trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội và nhân dân ba nước Lào – Việt Nam – Campuchia; sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, cùng nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đánh giá tầm vóc, nguyên nhân, ý nghĩa thắng lợi và bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Điện Biên Phủ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay; giới thiệu những tư liệu, tài liệu, hình ảnh, hiện vật, hồi ký về Chiến dịch.
Hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ – Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh” góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; tôn vinh, tri ân sâu sắc tới các thế hệ người Việt Nam đã hi sinh xương máu và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đồng thời, khẳng định và làm sáng tỏ về quan điểm, tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; đề xuất giải pháp góp phần phát huy hiệu quả giá trị di sản của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Đề dẫn Hội thảo, Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam khẳng định, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố.
Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; chủ nghĩa yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, tinh thần chiến đấu “thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, ý chí quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang Việt Nam.
Bên cạnh đó, còn có sự đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của quân đội và nhân dân ba nước Đông Dương, sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của các nước anh em và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
“Hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; khẳng định và làm sâu sắc hơn nữa giá trị vĩ đại, tầm vóc và ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Từ đó khơi dậy niềm tự hào, cổ vũ động viên mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong việc phát huy truyền thống yêu nước trong thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, Thượng tá Lê Vũ Huy khẳng định.
Hội thảo diễn ra với ba chủ đề: Điện Biên Phủ- Điểm hẹn lịch sử; Những con người làm nên lịch sử, Điện Biên Phủ- Bản hùng ca bất diệt. Hội thảo nhận được hơn 70 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, các thầy cô giáo từ nhiều cơ quan, đơn vị, cơ sở đào tạo và trường học trong cả nước. Các tham luận được thẩm định, lựa chọn và in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học cùng chủ đề.
Với tiêu đề tham luận “Tại sao Điện Biên Phủ?”, Đại tá, PGS. TS. Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự nêu: Lâu nay, khi tìm hiểu về “sự kiện Điện Biên Phủ”, không ít nhà nghiên cứu đặt vấn đề tại sao trong Kế hoạch Navarre của Bộ Chỉ huy quân Pháp cũng như trong Đề án hoạt động quân sự Đông Xuân 1953-1954 của Quân đội Việt Nam đều không nhắc đến Điện Biên Phủ; nhưng chỉ sau một khoảng thời gian ngắn của mùa Đông năm 1953, Điện Biên Phủ lại trở thành “điểm hẹn lịch sử” quyết định số phận của cuộc chiến tranh đối với cả hai phía?
“Trong lịch sử quân sự thế giới, phần lớn các cuộc chiến tranh đều được kết thúc bằng các trận quyết chiến chiến lược. Trận Điện Biên Phủ cũng là một trong những trường hợp như vậy và sự lựa chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến là một tất yếu lịch sử nằm trong ý đồ tính toán chiến lược của cả hai phía.
Bởi vậy thật là dễ hiểu khi mà cả hai bên đều sợ bên này, hoặc bên kia bỏ “cuộc chơi” trong ván bài Điện Biên Phủ”, PGS. TS. Trần Ngọc Long khẳng định tầm vóc và ý nghĩa to lớn của Chiến dịch và Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ./.
Nguồn: https://toquoc.vn/tiep-tuc-khang-dinh-tam-voc-va-y-nghia-to-lon-cua-chien-dich-va-chien-thang-lung-lay-nam-chau-chan-dong-dia-cau-20240514145040374.htm