(MPI) – Tại Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 12/11/2024 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp nhanh, toàn diện, bền vững, nhất là các cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp, đóng góp cho nền kinh tế, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho nhân dân.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Cùng với đó, khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2025. Hoàn thành trong tháng 11/2024 việc thẩm định Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 để trình Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi các Nghị định về quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong tháng 12/2024 sau khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Nghiên cứu thúc đẩy đàm phán hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với các nước khu vực Trung Đông, Pakistan, Ai Cập…; làm việc với các tập đoàn công nghệ mới để thu hút các dự án đầu tư lớn, chất lượng cao và kịp thời đề xuất các chính sách hỗ trợ hiệu quả, phù hợp.
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để khắc phục nhanh hậu quả bão số 3, bão số 6 và mưa lũ tại miền Trung, bảo đảm cuộc sống cho người dân; kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ các hộ dân, cơ sở sản xuất bị thiệt hại do bão, lũ, khôi phục sản xuất trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Tập trung sản xuất ở các lĩnh vực, sản phẩm còn dư địa phát triển, phấn đấu đạt mức tăng sản lượng và giá trị cao hơn so với kế hoạch đã đề ra nhằm bù đắp sụt giảm tại các khu vực, địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả, không để xảy ra đầu cơ, găm hàng đối với nguồn cung vật tư đầu vào cho sản xuất trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng…
Khẩn trương chỉ đạo, ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn thi hành; chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, không để xảy ra ách tắc, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, doanh nghiệp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ quan quản lý nhà nước và đối tượng sử dụng đất.
Chủ động, tích cực gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe góp ý, kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời xây dựng nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do bão lũ, tài chính, pháp lý, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng…; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét với những nội dung vượt thẩm quyền.
Theo dõi sát diễn biến và có biện pháp xử lý kịp thời tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; đẩy nhanh tiến độ trồng rừng; tăng cường công tác quản lý, khai thác thủy sản, bảo đảm an toàn cho ngư dân, tàu cá hoạt động trên biển; thường xuyên rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai trong các tháng cuối năm; tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản do chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Chính phủ yêu cầu Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh nội sinh, vai trò, vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, thực hiện các giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác các động lực tăng trưởng mới; triển khai đồng bộ Luật Thủ đô, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, tạo đột phá mới, bước chuyển mạnh mẽ cho phát triển kinh tế – xã hội của 02 Thành phố, đóng góp hơn nữa vào phát triển chung của cả nước.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu phối hợp chặt chẽ với địa phương có mỏ vật liệu, hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ, bảo đảm nguồn vật liệu cát, đá không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia…; căn cứ kế hoạch hoàn thành dự án, xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết “đường găng tiến độ” phù hợp điều kiện giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, diễn biến thời tiết để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công theo kế hoạch, đặc biệt các dự án có kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2025.
Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác nắm bắt tình hình, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, các chợ trên địa bàn; xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động với các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn, thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc.
Tổ chức các hoạt động du lịch theo chiều sâu, trọng tâm là xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh dựa trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, đặc thù về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của từng địa phương; thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác phát triển, kích cầu du lịch vào dịp cao điểm cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Triển khai quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Chủ động rà soát nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phân bổ và nhu cầu thực tế để thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; huy động nguồn lực xã hội hóa kết hợp với ngân sách địa phương, nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, công sức, giúp đỡ từ cộng đồng, nguồn lực cố gắng từ chính các hộ gia đình để xây dựng, sửa chữa nhà ở; ưu tiên hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.
Bảo đảm nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và các điều kiện cần thiết để thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử qua VNelD hoàn thành trong năm 2024 và thúc đẩy triển khai Bệnh án điện tử trên địa bàn. Rà soát, chuẩn hóa thông tin lý lịch tư pháp trong Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, bảo đảm kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; rút ngắn thời gian cấp Phiếu lý lịch tư pháp, hoàn thành trong năm 2024.
Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao tại các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 một cách chủ động, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, sớm ổn định để tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp và phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp.
Chuẩn bị, tổ chức tốt Đại hội thi đua, hội nghị điển hình tiên tiến các cấp, các ngành tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI, đổi mới nội dung, hình thức bảo đảm tiết kiệm, tạo động lực, khí thế sôi nổi trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Kịp thời ghi nhận, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, có sức lan tỏa trong cộng đồng và xã hội./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-11-15/Tiep-tuc-hoan-thien-the-che-co-che-chinh-sach-phatqi2bc9.aspx