Chiều 31/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Điều hành Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được Quốc hội thông qua năm 2008, được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2014, là cơ sở pháp lý cao nhất, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Đây là lần lập pháp thứ ba về bảo hiểm y tế. Cùng với sự phát triển xã hội, quá trình tổ chức thi hành Luật BHYT phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập đã được Chính phủ nhận diện đầy đủ trong Báo cáo tổng kết thi hành luật, về nguyên tắc để giải quyết căn cơ những vướng mắc, bất cập này, phải sửa đổi toàn diện Luật BHYT.
Tại buổi thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận về các nội dung: Quy định liên quan đến đối tượng tham gia BHYT; về mức đóng, trách nhiệm đóng BHYT; phương thức đóng BHYT; thẻ BHYT; phạm vi được hưởng BHYT; mức hưởng BHYT; vấn đề thông cấp khám bệnh, chữa bệnh.
Đề xuất bỏ quy định trường học thu tiền để mua BHYT cho học sinh
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các luật khác có liên quan, khắc phục các tồn tại, hạn chế mang tính cấp bách của luật hiện hành, đại biểu bày tỏ thống nhất việc trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế để Quốc hội cho ý kiến thông qua theo quy trình một kỳ họp.
Về các chính sách có liên quan đến bảo hiểm y tế đối với học sinh, đại biểu cho rằng, để các thầy giáo, cô giáo chuyên tâm cho việc dạy học, trả đúng vị trí cho thầy cô để dành thời gian, tâm huyết cho nghề cao quý, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi Điều 7b về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành và các quy định có liên quan theo hướng bỏ quy định việc nhà trường thu tiền để thực hiện thủ tục để mua bảo hiểm y tế cho học sinh mà trách nhiệm này được giao cho chính quyền địa phương, cơ quan bảo hiểm; nhà trường chỉ có trách nhiệm cung cấp danh sách học sinh cho cơ quan bảo hiểm và thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh trong việc mua bảo hiểm y tế.
Bày tỏ vui mừng khi Ban soạn thảo đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri về dự thảo Luật BHYT, đại biểu Châu Quỳnh Dao – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho biết, nhiều điều khoản của dự thảo Luật đã được tiếp thu, sửa đổi theo hướng có lợi cho người dân như mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ. Đại biểu nêu ví dụ như các xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, nay các xã này không còn nằm trong diện khó khăn, đặc biệt khó khăn vẫn được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.
Cho rằng đây là một chính sách rất nhân văn, đại biểu Châu Quỳnh Dao nêu rõ, sau cuộc giám sát thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua, Đoàn giám sát và các ĐBQH nhận thấy, còn một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện kinh tế – xã hội rất khó khăn, do đó việc hỗ trợ này đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ các chính sách đó theo một lộ trình để người dân an tâm thực hiện chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững.
Quan tâm đến mục tiêu BHYT bao phủ toàn dân sớm đạt được, đại biểu Châu Quỳnh Dao góp ý xoay quanh vấn đề đối tượng tham gia BHYT đối với học sinh, sinh viên. Đại biểu đề xuất bãi bỏ điểm d khoản 6 Điều 13 của dự thảo Luật: “Trường hợp đối tượng tham gia BHYT quy định tại khoản 4, Điều 12, đồng thời buộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 Luật này thì được lựa chọn theo đối tượng đóng phù hợp”, có nghĩa là dự thảo Luật mở cho các em được đóng theo nhóm đối tượng hộ gia đình hoặc học sinh, sinh viên tại nhà trường.
Đại biểu cho rằng, mức đóng của học sinh, sinh viên bằng 4,6% mức lương cơ sở. Đông đảo cử tri cho rằng, mức đóng đó vẫn cao so với thu nhập của họ. Do đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giữ theo quy định hiện hành. Đồng thời kiến nghị Nhà nước tiếp tục tăng mức hỗ trợ ngân sách nhà nước tối thiểu là 50% cho các học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Bởi vì đây là một trong những tiền đề rất quan trọng tiến tới đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Cùng với đó, cần bổ sung thêm nhóm các hộ thoát nghèo vào danh sách được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Hoàn thiện quy định về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT
Phát biểu tại phiên họp, nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn Quốc hội thông qua dự án Luật tại Kỳ họp này để Luật sớm có hiệu lực thi hành, đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, qua đó sớm tháo gỡ, giải quyết những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế cũng như quyền lợi của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Chí Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần rà soát, hoàn thiện nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 31 về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Theo đại biểu, mặc dù dự thảo Luật có bổ sung thêm quy định về thanh toán trong trường hợp điều chỉnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và chi phí dịch vụ cận lâm sàng ở khoản 4, khoản 5. Tuy nhiên, đại biểu cho biết, việc bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài, khi bệnh viện không có thì sẽ được thanh toán như thế nào đang là vấn đề thực tế được rất nhiều cử tri quan tâm hiện nay.
“Mặc dù trước khi trình dự thảo Luật tại Kỳ họp này, Bộ Y tế đã kịp thời ban hành Thông tư số 22 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tôi nhận thấy Thông tư này không giải quyết được vướng mắc trên, cũng như không thể giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc như hiện nay… Bên cạnh đó, điều kiện, hồ sơ, thủ tục thanh toán quy định tại Thông tư 22 cũng có nhiều vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện”, đại biểu nêu rõ.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm một khoản quy định về nội dung thanh toán cho bệnh nhân BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài, khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có thuốc và vật tư y tế tại Điều 31 để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân khi đi khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT …
Theo đại biểu Trần Chí Cường, dự thảo Luật lần này cũng đã bổ sung nhiều quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT, đặc biệt là chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT, giảm bớt thủ tục hành chính và tăng cường tiếp cận dịch vụ. Theo đại biểu, dự thảo Luật lần cần quy định cụ thể lộ trình liên thông và công nhận kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chậm nhất trước ngày 1/1/2026. “Điều này sẽ góp phần tiết kiệm cho quỹ BHYT và ngân sách tài chính của các gia đình có người thân đi khám bệnh, chữa bệnh”, đại biểu nhấn mạnh.
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Đinh Văn Thê – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề nghị bổ sung quy định thanh toán cho người bệnh trong các trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế… Theo đó, bổ sung vào Điều 31 nội dung quy định về các trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng và không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh khác. Người bệnh phải tự mua theo chỉ định của thầy thuốc thì cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh số tiền đã mua thuốc, vật tư y tế trước khi người bệnh ra viện; tổng hợp thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và chịu trách nhiệm về hồ sơ đề nghị thanh toán.
Ngoài ra, thực tế trong thời gian qua cho thấy, mặc dù đã ký kết hợp đồng khám, chữa bệnh nhưng tình trạng cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán kịp thời, đúng thời hạn chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hợp đồng. Điều này làm cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động của khám, chữa bệnh. Do vậy, để đảm bảo quan hệ bình đẳng giữa hai bên giao kết, ký kết hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Đinh Văn Thê đề nghị bổ sung quy định cơ quan bảo hiểm xã hội phải thanh toán kịp thời, đúng thời hạn chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hợp đồng đã ký kết.
Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội chậm thanh toán thì phải chịu lãi suất đối với số tiền chậm thanh toán theo quy định tại khoản 1, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/tiep-tuc-hoan-thien-quy-dinh-cua-du-thao-luat-bao-hiem-y-te-382518.html