ANTD.VN – Lãi suất thị trường liên ngân hàng đã về mức dưới 1%/năm với kỳ hạn qua đêm, trong khi trên thị trường dân cư, lãi suất huy động đã về dưới 8%/năm cho các kỳ hạn dài.
Làn sóng giảm lãi suất chưa dừng lại
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất giảm mạnh nhất ở kỳ hạn qua đêm. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn này chỉ còn duy trì ở mức 0,44%/năm, giảm mạnh so với cách đây 1 tháng, ở mức trên 4%/năm.
Các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần cũng giảm từ mức 4,2 – 4,25%/năm hồi đầu tháng 6 về còn lần lượt là 2,47%/năm và 1,51%/năm; kỳ hạn 1 tháng giảm từ 5,7%/năm về 4,37%/năm. Các kỳ hạn 3 – 9 tháng ít biến động.
Doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm khá nhiều so với thời điểm cuối năm ngoái, đầu năm nay, duy trì thường xuyên quanh mức 200.000 tỉ đồng mỗi phiên (trừ phiên cuối tuần qua – 30/6), cho thấy thanh khoản các ngân hàng đang khá dồi dào.
Trên thị trường dân cư, làn sóng hạ lãi suất huy động vẫn đang tiếp tục. Theo khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website ngân hàng cho thấy, lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng đều đã về mức tối đa 4,75%/năm.
Tại kỳ hạn 6 tháng chênh lệch lãi suất giữa các nhà băng khá lớn. Trong khi mức lãi suất cao nhất là 7,6%/năm xuất hiện ở một số ngân hàng nhỏ như Bac A Bank và VietBank và dành cho tiền gửi online, thì big4 (Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV) chỉ còn 5%/năm đối với tiền gửi tại quầy và cộng thêm khoảng 0,2%/năm cho tiền gửi trực tuyến.
Một số nhà băng duy trì lãi suất quanh 7,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng cũng được áp dụng cho tiền gửi online như GPBank, ABBank, Eximbank… Ngoài ra, VPBank, Techcombank, SHB… cũng có mức lãi suất trên 7%/năm đối với một số hình thức tiết kiệm và với số tiền gửi lớn.
Còn lại, đa phần các ngân hàng đã đưa lãi suất huy động cho kỳ hạn 6 tháng về dưới 7%/năm.
Lãi suất huy động giảm nhanh chóng do các ngân hàng gặp khó khăn trong giải ngân |
Sự chênh lệch lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, cho thấy nhiều ngân hàng tầm nhỏ và tầm trung đang tập trung huy động vốn kỳ hạn này. Tại một số nhà băng, lãi suất kỳ hạn 6 tháng thậm chí còn cao hơn các kỳ hạn 24 hay 36 tháng.
Điều này cũng dễ hiểu trong môi trường lãi suất nhiều biến động hiện nay, đồng thời việc không thể đẩy tín dụng bất động sản cũng khiến nhu cầu vốn dài hạn của các ngân hàng không còn quá nóng.
Đối với các kỳ hạn dài từ 12 – 36 tháng, lãi suất thấp nhất vẫn thuộc về big4 với mức 6,3%/năm; tại các ngân hàng tầm trung như Techcombank, VIB, ACB, VPBank, LPBank…. cũng được kéo giảm về dưới 7%/năm. Hơn 20 nhà băng tư nhân còn lại có mức lãi tiền gửi từ 7% đến dưới 8% một năm. Mức lãi suất 8%/năm chỉ còn xuất hiện ở một vài ngân hàng như GPBank hay Saigonbank.
Tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Việc lãi suất đầu vào giảm mạnh tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Agribank mới đây đã có lần giảm lãi suất cho vay thứ 6 liên tiếp kể từ đầu năm với mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm.
Đây là chương trình cho vay của ngân hàng này trong gói tín dụng 100.000 tỉ đồng và 500 triệu USD cho khách hàng doanh nghiệp, trong đó lãi suất cho vay USD từ 3%/năm.
Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm từ 2-4 điểm % so với đầu năm.
Tương tự, Vietcombank cũng vừa triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bán lẻ có nhu cầu vay mua, xây sửa nhà, đất ở, vay sản xuất kinh doanh, vay mua ô tô, vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm… với mức lãi suất cho vay cố định từ 9,5%/năm tại các kỳ hạn trung và dài hạn bao gồm từ 18 tháng đến 10 năm.
Khách hàng cá nhân vay mua bất động sản, mua ô tô, vay tiêu dùng… tại nhà băng này cũng có thể được hưởng lãi suất ưu đãi từ 6,99%/năm hoặc 7,99%/năm trong 6 tháng đầu tiên (với các khoản vay có kỳ hạn từ 2 năm trở xuống) và từ 9%/năm trong 12 tháng đầu tiên (với các khoản vay có kỳ hạn trên 2 năm)…
Còn BIDV giảm lãi suất cho vay tới 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành đối với các khoản vay trung và dài hạn hiện hữu và chưa được áp dụng lãi suất cạnh tranh trước đó.
LPBank dành 8.000 tỉ đồng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp với lãi suất từ 7,5%/năm.
Ngoài ra, hầu hết các ngân hàng cũng đã công bố các chương trình giảm lãi suất với mức giảm khoảng 0,5 điểm % với dư nợ hiện hữu. Các khoản vay mới, lãi suất cũng giảm 1 – 2%/năm so với vài tháng trước.
Ngân hàng Nhà nước mới đây lại tiếp tục có văn bản yêu cầu các ngân hàng thực hiện giảm mặt bằng lãi suất, trong đó, yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm các quy định của NHNN về lãi suất tiền gửi; niêm yết công khai lãi suất tiền gửi tại các địa điểm nhận tiền gửi theo quy định của NHNN; tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.