Thị trường vẫn đang được hỗ trợ tại vùng MA(100), vùng 1.260 điểm. Dự kiến, thị trường tiếp tục trạng thái giằng co trên vùng này để thăm dò cung cầu vào đầu tuần giao dịch mới.
Phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index không thể duy trì được sắc xanh sau phiên đảo chiều ngoạn mục trước đó, theo đó trở lại giảm điểm. Khép lại tuần giao dịch giằng co quyết liệt trong xu hướng điều chỉnh giảm, VN-Index ghi nhận giảm 1,25% so với tuần trước và đóng cửa ở mức 1.264,78 điểm.
Dòng tiền có xu hướng lại tìm đến cổ phiếu ngân hàng những lúc khó khăn. Các cổ phiếu đã tăng mạnh đang chịu áp lực chốt lãi, loại trừ nhóm bất động sản đang tìm đáy mới của năm. Nhóm cổ phiếu vốn hóa không còn có mức tăng/giảm vượt trội và là tâm điểm chịu áp lực chốt lời ngắn hạn.
Thanh khoản trên cả 2 sàn tuần này đều tăng so với tuần giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh +11,6% tại HoSE và +7,4% tại HNX. Nói về câu chuyện khối ngoại, trên HoSE, khối ngoại giảm giá trị bán ròng xuống mức 720 tỷ đồng, xuất hiện điểm tích cực với 2 phiên mua ròng giữa tuần
Khối ngoại tuần này tiếp tục đà bán ròng với -767,57 tỷ đồng tại HoSE tập trung tại mã MSN (-483,4 tỷ), mã FPT (-375,9 tỷ), VHM (-292,8 tỷ) và VPB (-203,7 tỷ)… Ở chiều ngược lại, mua ròng SBT (+448,1 tỷ), MWG (+274,3 tỷ)…
Chia sẻ diễn biến thị trường chứng khoán tuần qua, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu khoảng 14% trên thị trường cổ phiếu Việt Nam. Riêng trên HoSE, tỷ lệ này là 17,3%, HNX là 5,4% và UPCom là 3%. Tại thời điểm cuối năm 2018, tỷ lệ sở hữu nước ngoài lần lượt là 19,83% (HoSE), 10,99% (HNX) và 4,24% (UPCoM). Mặc dù còn phù thuộc sự hấp dẫn của cổ phiếu cụ thể (quy mô, chất lượng cổ phiếu, thanh khoản…) để thu hút nhà đầu tư tổ chức, tuy nhiên % sở hữu được tự do chuyển nhượng (free-float) của thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức tương đối thấp, ước tính ở mức 45,5%.
Do đó, cùng với tiến trình thoái vốn nhà nước ở nhiều doanh nghiệp, dư địa để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn rất lớn.
Quay lại với thị trường chứng khoán, tuần qua, duy nhất nhà đầu tư cá nhân mua ròng, trong đó, khối nội mua ròng với giá trị 2.579 tỷ đồng và khối ngoại 2 tỷ đồng.
Nhóm tổ chức lần đồng loạt bán ròng, cụ thể, tổ chức trong nước bán ra 1.818 tỷ đồng, nước ngoài 780 tỷ đồng và tự doanh 796 tỷ đồng
Mặc dù nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến khá nổi bật trong tuần qua, tuy nhiên, VN-Index vẫn có tuần giao dich khá tiêu cực với áp lực bán mạnh ở nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ. Rất nhiều mã/nhóm mã chịu áp lực bán mạnh, nhất là đối với các mã có thông tin kết quả kinh doanh quý II/2024 không như kỳ vọng.
Trong ngắn hạn, xu hướng VN-Index trở nên kém tích cực khi không giữ được vùng hỗ trợ quanh 1.275 điểm, tương ứng giá trung bình 20 phiên gần nhất, dẫn đến chịu áp lực bán mạnh về vùng hỗ trợ quanh 1.255 điểm mới phục hồi nhẹ.
Dù vậy, dưới góc nhìn kỹ thuật, ngưỡng hỗ trợ mạnh ngắn hạn quanh 1.250 điểm vẫn chưa bị vi phạm và cầu đỡ tại vùng giá thấp vẫn được ghi nhận. Theo đó, xu hướng ngắn hạn vẫn được duy trì và tích luỹ trong biên độ 1.250-1.300 điểm vẫn đang tiếp diễn.
Chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, thị trường thận trọng khi áp sát vùng cản 1.280 điểm và lùi bước trở lại. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy nguồn cung vẫn đang gây sức ép cho thị trường. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang được hỗ trợ tại vùng MA(100), vùng 1.260 điểm.
Dự kiến, thị trường tiếp tục trạng thái giằng co trên vùng này để thăm dò cung cầu vào đầu tuần giao dịch mới. Tuy nhiên, tạm thời vẫn cần lưu ý trạng thái thận trọng và rủi ro của thị trường, do ảnh hưởng từ diễn biến bất ổn gần đây.
Do vậy, nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá lại trạng thái thị trường. Ngoài ra, cần cân nhắc những nhịp hồi phục của thị trường để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Nguồn: https://baodautu.vn/goc-nhin-ttck-tuan-22-267-tiep-tuc-giang-co-tham-do-cung-cau-d220503.html