Trong hai ngày 15 và 18/7, SCB thông báo chấm dứt hoạt động của 9 phòng giao dịch (PGD). Trong đó, ngày 15/7, ngân hàng này thông báo đóng cửa 4 phòng giao dịch thuộc các chi nhánh tại TP.HCM và Bình Định. Tiếp đó, ngày 18/7, có tới 5 phòng giao dịch tại TP.HCM, Đồng Nai và Hải Phòng phải đóng cửa.
Theo thống kê của VietNamNet, SCB đã đóng cửa 91 phòng giao dịch trên cả nước kể từ sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt do liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát.
Trong đó, số lượng phòng giao dịch bị tuyên bố đóng cửa trong năm 2023 là 47. Và 7 tháng đầu năm 2024 đã có thêm 44 phòng giao dịch của SCB phải đóng cửa.
Đỉnh điểm là tháng 6/2024, có tới 16 phòng giao dịch của SCB dừng hoạt động. Tiếp đến là các tháng 10 và 12/2023, mỗi tháng có tới 14 phòng giao dịch phải đóng cửa.
Bà Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cổ đông lớn chi phối phần lớn cổ phần tại SCB, bị khởi tố vào tháng 10/2022. Sau thời điểm đó, những khó khăn của SCB mới chính thức lộ rõ, nhất là khi khách hàng kéo đến đòi quyền lợi do đã mua trái phiếu do SCB thu xếp.
Tuy nhiên, phải đến tháng 6/2023, ngân hàng này mới bắt đầu thực hiện việc chấm dứt hoạt động một loạt các điểm giao dịch.
Từ đó đến nay, không có tháng nào nhà băng này không ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động của ít nhất một phòng giao dịch.
Theo giới thiệu của SCB tại thời điểm trước khi đại án Vạn Thịnh Phát xảy ra, mạng lưới giao dịch của ngân hàng lên tới 239 điểm giao dịch, khắp 28 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Số điểm giao dịch dừng hoạt động của SCB trong hơn một năm qua thậm chí còn nhiều hơn số lượng giải thưởng “tốt nhất” mà ngân hàng này từng đạt được. Theo thống kê của VietNamNet, chỉ trong vòng 8 năm, từ 2015-2022, nhà băng này đã được các tổ chức trong nước và quốc tế trao tặng tới 72 giải thưởng “danh giá” với những cụm từ “hàng đầu”, “tốt nhất Việt Nam”.
Cùng với việc chấm dứt hoạt động của rất nhiều điểm giao dịch, ngân hàng này cũng thông báo thanh lý 23 xe chuyên dụng chở tiền và 27 máy ATM đã qua sử dụng.
Toàn bộ lô xe chuyên dụng này được SCB thông báo bán đấu giá lần đầu tiên vào tháng 1/2024 và chỉ bán theo lô, trọn gói 3,987 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do không có người mua nên tháng 6 vừa qua, ngân hàng cho hay có thể bán lẻ từng chiếc với mức giá không đổi, dao động từ 127-220 triệu đồng/chiếc.
Trong khi đó, SCB không thông báo giá bán khởi điểm đối với những chiếc máy ATM.
SCB hiện có vốn điều lệ 20.000 tỷ đồng và bị Ngân hàng Nhà nước đặt trong diện kiểm soát đặc biệt. Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, bà Trương Mỹ Lan là người chi phối, sở hữu phần lớn cổ phần tại SCB với tỷ lệ lên đến 91,5%.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tiep-tuc-dong-cua-hang-loat-gan-100-phong-giao-dich-cua-scb-bien-mat-2303976.html