Kiểm soát lạm phát, ngăn việc tăng giá “vô lý”
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, mặc dù 6 tháng đầu năm 2024, tình hình thế giới phát sinh nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã có sự hồi phục “đáng kinh ngạc”.
Để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2024 theo Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành thông tư tiếp tục giảm mức thu hồi vốn đối với khoảng 36 khoản phí, lệ phí, áp dụng từ 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024, dự kiến tác động giảm thu Ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 700 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài ngạch thuế quan. Dự kiến việc điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu này tác động giảm thu NSNN gần 590 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời gian thực hiện giảm mức thuế GTGT đến hết năm 2024. Chính phủ đã trình Quốc hội tiếp tục kéo dài thời gian giảm 2% thuế suất thuế GTGT từ 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Theo đó, dự kiến làm giảm NSNN thêm khoảng 24 nghìn tỷ đồng, tổng số giảm thu do thực hiện chính sách cả năm khoảng 47,5 nghìn tỷ đồng (bao gồm khoảng 23,5 nghìn tỷ đồng dự kiến giảm trong 6 tháng đầu năm).
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính lưu ý cần thực hiện tốt các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí thì chúng ta vẫn phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu, từ đó kiểm soát lạm phát, ngăn chặn việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu một cách vô lý.
Phấn đấu tăng trưởng quý III đạt 6,5 – 7%,
Kết luận phiên họp, đề cập đến mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng nêu rõ phấn đấu đạt tăng trưởng GDP từ 6,5-7% trong quý III, sau đó xác định mục tiêu phù hợp trong quý IV; lạm phát giữ ở mức dưới 4,5%.
Chỉ rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp đồng bộ, hài hòa và tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục điều tiết tỉ giá, mặt bằng lãi suất phù hợp; trong đó lưu ý giảm mặt bằng lãi suất cho vay, chi phí vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh; bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng, tăng tiếp cận vốn tín dụng.
Thủ tưởng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp.
Siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, tiết kiệm chi; đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế, nhất là từ thương mại điện tử. Tiếp tục thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; kiên quyết không để thiếu điện.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ; kiên quyết điều chuyển 29,9 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ chi tiết; tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn ODA; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.
Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Khẩn trương ban hành đầy đủ, kịp thời các nghị định, thông tư, bảo đảm đồng thời với hiệu lực của các Luật. Sớm thành lập Ban Chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, các thành viên Chính phủ là thành viên.
Nguồn: https://tienphong.vn/tiep-tuc-de-xuat-hang-chuc-nghin-ty-dong-de-ho-tro-doanh-nghiep-post1652631.tpo