Tại hồ sơ thẩm định dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu lần 3 gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương giữ quan điểm như tại bản thảo hồi tháng 4 là Nhà nước sẽ không điều hành giá bán lẻ nhiên liệu trong nước. Thay vào đó, doanh nghiệp đầu mối và phân phối kinh doanh xăng dầu tự tính, quyết giá bán lẻ trên cơ sở các yếu tố do Nhà nước công bố.
Trong đó, cơ quan quản lý sẽ công bố giá thế giới bình quân 7 ngày một lần và một số chi phí cố định, bao gồm tỉ giá ngoại tệ, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế nhập khẩu.
Dựa trên dữ liệu này, doanh nghiệp đầu mối sẽ cộng thêm các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, để tính giá bán tối đa. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này. Giá bán lẻ tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được tăng thêm tối đa 2% so với giá bán xăng dầu.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sau khi thương nhân công bố giá bán xăng dầu.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Sở Công Thương, Sở Tài chính, Cục quản lý thị trường tại địa phương nơi thương nhân có hoạt động kinh doanh xăng dầu sau khi thương nhân công bố giá bán lẻ xăng dầu.
Trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, gây tác động lớn đến kinh tế – xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, hoặc trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.
Khác bản thảo đưa ra trước đây, lần này, Bộ Công Thương không đề xuất mức cụ thể với chi phí kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức doanh nghiệp được cộng vào giá bán lẻ (1.800 – 2.000 đồng một lít hoặc 4 – 20%).
Thay vào đó, nhà chức trách sẽ công bố định mức gốc ban đầu của chi phí lưu thông, rà soát 3 năm một lần. Sau đó, doanh nghiệp tính toán, điều chỉnh các chi phí này hằng năm theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Còn lợi nhuận định mức vẫn cố định ở 300 đồng một lít, kg xăng dầu.
Các khoản chi phí khác như vận tải, bảo hiểm, hao hụt, bốc dỡ… được cơ quan quản lý đưa ra 3 tháng một lần, trước ngày 20 của tháng thứ 3, trừ khi biến động bất thường cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền. Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải gửi báo cáo đã kiểm toán độc lập về số liệu các khoản chi phí này của 3 tháng trước đó lên Bộ Công Thương.
Bản dự thảo Nghị định lần 3 không đưa ra các quy định quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu như tại các bản thảo trước đây.
Tại dự thảo, số dư quỹ này dự kiến không để tại doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu như hiện nay, mà sẽ do Nhà nước nắm giữ. Việc sử dụng quỹ theo quy định Luật Giá 2023 (có hiệu lực từ ngày 1.7).
Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn doanh nghiệp chuyển, nộp số dư Quỹ bình ổn xăng dầu vào ngân sách, theo dự thảo nghị định.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/tiep-tuc-de-xuat-doanh-nghiep-dau-moi-tu-quyet-gia-xang-dau-1365330.ldo