Chỉ thị nêu rõ, Đề án 06 là đề án quan trọng, đột phá, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế là “điểm nghẽn” làm chậm tiến độ triển khai Đề án. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án 06 trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt và thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Việc triển khai thực hiện Đề án 06 phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền việc thực hiện Đề án 06; đồng thời có Thư kêu gọi toàn dân đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử với mong muốn người dân phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần khát vọng vươn lên tích cực hưởng ứng, tham gia đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, góp phần xây dựng kinh tế số, xã hội số, công dân số; xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại.
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng, là vấn đề cốt lõi, quyết định đến thành công của Chương trình chuyển đổi quốc gia, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ thiết thực nhằm phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; trong đó việc sử dụng tài khoản định danh điện tử là một trong những tiện ích quan trọng đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo thủ tục được thực hiện một cách nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng.
Vì vậy, để thực hiện tốt Đề án, các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cần phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của mình, tạo nên sức mạnh tổng hợp, sự đồng thuận cao trong xã hội trong thực hiện Đề án, góp phần xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số trong giai đoạn 2022 – 2030.