Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng tỉnh Hưng Yên phát triển giàu đẹp, văn minh
TRẦN QUỐC VĂN
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh,
Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á vừa ra đời đã phải tập trung giải quyết những nhiệm vụ cấp bách, chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng. Để khích lệ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, trong đó xác định “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”.
Đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua- Khen thưởng tỉnh chủ trì phiên họp thứ Nhất, Hội đồng Thi đua- Khen thưởng tỉnh năm 2023 |
Ngày 11/6/1948, tại an toàn khu Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” để động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lời kêu gọi của Người đã mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước phát triển rộng khắp trong cả nước và trở thành động lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tăng cường đoàn kết dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Thấm nhuần tư tưởng thi đua yêu nước và những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hưng Yên đã không ngừng phát huy sức mạnh của các phong trào thi đua, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, các phong trào thi đua ái quốc đã phát triển rộng khắp, điển hình như phong trào “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”… Tại các thôn, làng trong tỉnh, quân và dân Hưng Yên đã tiến hành chiến tranh du kích, tạo nên “thiên la, địa võng” để đánh địch, đặc biệt là phong trào “Nữ du kích Hoàng Ngân”, những trận đánh “Nổi sấm đường 5″… Quân và dân Hưng Yên đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, đánh trên 9.000 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt và bắt sống hơn 30 nghìn tên địch, bắn rơi 2 máy bay, đắm 1 tàu chiến, 7 ca nô, phá huỷ và thu nhiều vũ khí đạn dược, phương tiện chiến tranh của địch, đánh bại các đợt vây càn của địch. Hưng Yên ngày đó đã trở thành một trong những tỉnh có phong trào chiến tranh Nhân dân phát triển cao ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, lớp lớp thanh niên Hưng Yên nô nức lên đường với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đã có trên 88 nghìn người con của quê hương lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường, đặc biệt là thời kỳ tập trung lực lượng chi viện kịp thời cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Họ đã anh dũng chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, nhiều người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường hoặc mang thương tật suốt đời. Nơi quê nhà, Nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua: “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”; phong trào làm thủy lợi phát triển mạnh mẽ, tham gia xây dựng công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải, nạo vét sông Triều Dương… Hưng Yên tự hào là nơi khởi nguồn phong trào xây dựng đời sống văn hóa từ việc xây dựng gia đình văn hóa vào những năm 60 của thế kỷ trước tại thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long (Yên Mỹ)… Các phong trào thi đua vừa góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Hưng Yên ngày ấy đã trở thành hậu phương vững chắc “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Với những đóng góp to lớn đó, Nhân dân và cán bộ tỉnh Hưng Yên đã được Đảng và Nhà nước khen tặng 10 Huân chương Quân công, 30 Huân chương Chiến công, 3 Huân chương Kháng chiến và hàng vạn Huân chương, Huy chương tặng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong kháng chiến; tỉnh Hưng Yên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ “Đoàn kết Nhân dân đánh thắng giặc Pháp”; hàng vạn liệt sĩ được Tổ quốc ghi công; trên 100 tập thể và cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, điển hình như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người phụ nữ tiêu biểu cho lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân Vũ Thị Kính, tức Trần Thị Khang (thị xã Mỹ Hào), Trương Thị Tám (Khoái Châu), hay như ông Nguyễn Đức Thụy (Kim Động) – người vinh dự 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang; 2.293 bà mẹ được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Trong lao động, cán bộ, Nhân dân Hưng Yên không ngừng nỗ lực, đóng góp tích cực cho các phong trào thi đua. Vì lẽ đó lúc sinh thời Bác Hồ đã 10 lần về thăm, động viên. Năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tỉnh Hưng Yên Cờ luân lưu làm thủy lợi khá nhất miền Bắc; nhiều cá nhân xuất sắc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và được tặng Huy hiệu Bác Hồ như: Bà Phạm Thị Vách (Kim Động), bà Vũ Thị Tỵ (Tiên Lữ)… Nhiều huyện, xã được tặng danh hiệu anh hùng trong thời kỳ đổi mới (tiêu biểu như xã Mễ Sở, huyện Văn Giang; xã Tân Quang, huyện Văn Lâm…). Cùng nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực đã vinh dự được Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tặng thưởng Huân chương Lao động, Cờ thi đua, Bằng khen và các danh hiệu thi đua cao quý.
Bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là từ sau ngày tái lập tỉnh (1/1/1997), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, quân và dân Hưng Yên luôn đoàn kết, sáng tạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Hằng năm, các khối thi đua đều ký kết giao ước thi đua; các ban, sở, ngành, đoàn thể, các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức phát động các phong trào thi đua gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thi đua trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ và các đoàn thể vững mạnh; thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… Các phong trào thi đua đều nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành, đông đảo cán bộ, đảng viên, công nhân lao động và các tầng lớp Nhân dân.
Với việc thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, tỉnh Hưng Yên đã có những bước phát triển vượt bậc cả về kinh tế, chính trị, xã hội và nâng cao vị thế, sức hấp dẫn của tỉnh trong môi trường đầu tư. Nếu như năm 1997, toàn tỉnh chỉ có 36 doanh nghiệp trong nước và 4 dự án FDI, thì hết năm 2022, toàn tỉnh có 17 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt quy hoạch, trong đó có 8 khu công nghiệp đã hoạt động và 26 cụm công nghiệp được thành lập. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.180 dự án đầu tư, tổng số vốn đăng ký trên 318.000 tỷ đồng và 6,3 tỷ USD. Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 51.400 tỷ đồng; đưa Hưng Yên từ thứ 26 toàn quốc vào năm 2020 lên thứ 6 toàn quốc vào năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người đạt 102,3 triệu đồng/người/năm. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt; tỉ lệ làng, tổ dân phố văn hóa đạt 89,7%; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93%. 5 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách của tỉnh ước đạt 14.468 tỷ đồng, đạt 63,34% kế hoạch năm. Hưng Yên là tỉnh thứ 3 trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Đến nay, 10/10 huyện, thị xã, thành phố và tỉnh Hưng Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 83/139 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 19/139 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 99 khu dân cư NTM kiểu mẫu. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, tăng cường; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Kết quả công bố của trung ương mới đây, năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI Hưng Yên xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố (tăng 39 bậc kể từ đầu nhiệm kỳ); Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số đo lường hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (Sipas) xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hiệu quản quản trị và hành chính công (Papi) xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định.
Nhằm tạo phong trào thi đua sôi nổi, mạnh mẽ hơn nữa góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngày 4/1/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND phát động Đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2023). Theo đó, từng ngành, lĩnh vực, địa phương trong tỉnh đều tổ chức phong trào thi đua phù hợp như: phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; “Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hưng Yên”, “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh”; “Hưng Yên tăng cường thực hiện đề án chuyển đổi số”… Các phong trào thi đua đã tạo động lực mới, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, góp phần thúc đẩy thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.
75 năm qua, đất nước và quê hương Hưng Yên trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, nhưng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn như một lời hiệu triệu, thôi thúc tinh thần thi đua học tập, lao động, sáng tạo và cống hiến của mỗi người dân Việt Nam nói chung và người dân Hưng Yên nói riêng. Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc là dịp để chúng ta đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng, phát huy truyền thống yêu nước trong các tầng lớp Nhân dân nhằm đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tiếp tục thực hiện Lời kêu gọi của Người, các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, lao động, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt lời dạy của Người về thi đua yêu nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, hăng hái thi đua học tập, lao động, công tác mỗi ngày. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Tăng cường tuyên truyền, động viên cán bộ, đảng viên, Nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam, gắn kết chặt chẽ việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Mỗi chi bộ, cán bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở, làm cho thi đua yêu nước trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị và chủ đề thi đua bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.
Thi đua yêu nước là động lực to lớn thúc đẩy phong trào cách mạng. Chúng ta tin tưởng rằng, với việc thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thi đua ái quốc, phát huy những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Hưng Yên tiếp tục hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra, góp phần xây dựng tỉnh Hưng Yên sớm trở thành tỉnh “công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững”.