Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Dự cuộc họp còn có các Ủy viên Trung ương Đảng là thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo của Thường trực Ban chỉ đạo cho biết, trong các nhiệm kỳ, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và các ban chỉ đạo tỉnh ủy, thành ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan đã thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời ban hành kịp thời, đầy đủ các chương trình, kế hoạch công tác toàn khóa và hàng năm; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về công tác tư pháp và mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng có liên quan đến cải cách tư pháp và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế, tình hình thực tiễn.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho ý kiến đối với Báo cáo về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và một số kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, nêu rõ những ưu điểm, hạn chế, kết quả công tác nổi bật và đề xuất phương hướng triển khai thực hiện. Các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục thống nhất báo cáo Bộ Chính trị về sự cần thiết duy trì tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo để giúp Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp theo các chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW, bảo đảm công tác tư pháp và cải cách tư pháp nói chung, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp nói riêng tiếp tục đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao sự chủ động, tích cực và những kết quả quan trọng trong thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và các thành viên Ban Chỉ đạo.
Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao Ban Chỉ đạo trong các nhiệm kỳ đã thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó đã chỉ đạo hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp; thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp trong nhiều đạo luật lớn về tư pháp như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Tạm giữ, tạm giam, Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá, Luật Công chứng, Luật Luật sư…, góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, Chủ tịch nước chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp trong các nghị quyết của Đảng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế của Ban Chỉ đạo thời gian qua. Trong đó, một số đề án, báo cáo trình Ban Chỉ đạo chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng chưa cao; chưa kịp thời cho ý kiến chỉ đạo hoặc đề xuất với Bộ Chính trị cho ý kiến về cơ chế, chính sách giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp của các cấp ủy, tổ chức Đảng có liên quan.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, cải cách tư pháp là một trong những nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng, nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩaViệt Nam, bảo đảm thực hiện nhất quán nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Đây cũng là nhiệm vụ lâu dài, phức tạp, nhạy cảm, phạm vi ảnh hưởng rộng.
Theo Chủ tịch nước, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hội nhập quốc tế sâu rộng. Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ nảy sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ cả trong quan hệ dân sự, hành chính, thương mại, lao động và an ninh, trật tự; đòi hỏi của người dân, xã hội đối với các cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp ngày càng cao. Mặt khác, hệ thống tư pháp và thực tiễn cải cách tư pháp thời gian qua cũng còn tồn tại, hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trong bối cảnh đó, công tác tư pháp và cải cách tư pháp cần phải tiếp tục được đẩy mạnh, với quyết tâm chính trị cao, có lộ trình phù hợp, chống bảo thủ, cục bộ, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội, kiên trì mục tiêu, định hướng đã được xác định để đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới.
Chủ tịch nước đề nghị Ban Nội chính Trung ương phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Trung ương và các cơ quan liên quan, sớm trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua Đề án “Tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương” theo hướng tiếp tục duy trì tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo, với thành phần cơ bản giữ nguyên như nhiệm kỳ 2016 – 2021. Ban Nội chính Trung ương phối hợp với các cơ quan có lãnh đạo là thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm cải cách tư pháp từ nay đến hết nhiệm kỳ.
Chủ tịch nước khẳng định những kết quả đã đạt được đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp và thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/chu-tich-nuoc-to-lam-tiep-tuc-day-manh-cai-cach-tu-phap-chong-bao-thu-cuc-bo-377604.html