Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ 6, các cơ quan đã tích cực phối hợp nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội; tổ chức các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Thành phố Hà Nội cũng rất chủ động trong việc đề xuất những nội dung tiếp thu, chỉnh lý. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu, hầu hết các điều, khoản đều đã được chỉnh lý và bổ sung nhiều nội dung mới.
Báo cáo ý kiến nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, ngày 25/1, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã chủ trì cuộc họp để nghe các cơ quan báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tổ chức các cuộc làm việc để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 chương và 57 điều (tăng 1 chương, giảm 2 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội).
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã rà soát kỹ lưỡng các chương, điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật; cùng trao đổi làm rõ các vấn đề lớn, quan trọng còn ý kiến khác nhau trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật như: Mô hình tổ chức chính quyền, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan; quản lý biên chế, thu nhập tăng thêm; phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND; quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô và các biện pháp bảo đảm quy hoạch; quản lý không gian ngầm…
Các đại biểu thống nhất tiếp thu, chỉnh lý quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô theo hướng bổ sung quy định Thủ đô Hà Nội “là thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị loại đặc biệt” vào Điều 2 của dự thảo. Việc quy định này để ghi nhận thực tế hiện nay và để bảo đảm thực hiện ổn định các cơ chế, chính sách đang được áp dụng cho Hà Nội, phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tiễn.
Nhiều đại biểu nhấn mạnh, Chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội cần tích cực rà soát, đánh giá, tập trung nguồn lực để đầu tư, phát triển, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nâng cao chất lượng đô thị theo Nghị quyết số 06-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.