Năm học 2022-2023, huyện miền núi Bác Ái với phần đông HS là con em đồng bào DTTS có 29 cơ sở giáo dục (trong đó có 9 trường phổ thông dân tộc bán trú) với trên 7.000 học sinh (HS). Tất cả các xã trên địa bàn huyện đều có trường THCS, tiểu học (TH) và mẫu giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho con em địa phương đến trường học tập. Theo báo cáo của UBND huyện Bác Ái, trong giai đoạn 2018-2022, các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với HS được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, quy định pháp luật. Trong đó, chính sách hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP: Cấp TH đã phân bổ kinh phí và giải ngân 8.899,2 triệu đồng/17.629 lượt HS; cấp THCS đã phân bổ kinh phí và giải ngân 5.314,1 triệu đồng/10.094 lượt HS. Đối với chính sách cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP: Cấp THCS đã phân bổ kinh phí và giải ngân 612,481 triệu đồng/13.562 lượt HS. Chính sách hỗ trợ HS bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP: Cấp TH đã phân bổ và giải ngân 21.420,96 triệu đồng/7.779 lượt HS; cấp THCS đã phân bổ và giải ngân 24.721,02 triệu đồng/8.786 lượt HS. Chính sách đặc thù theo Quyết định số 06/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh: Cấp TH đã phân bổ và giải ngân 603,2 triệu đồng/1.709 lượt HS; cấp THCS, đã phân bổ và giải ngân 379,324 triệu đồng/1.528 lượt HS. Cùng với hỗ trợ chi phí học tập, công tác đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm; 100% các trường dạy học 2 buổi/ngày. Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và thực hiện mô hình trường bán trú cơ bản góp phần hạn chế tình trạng HS nghỉ học cách nhật và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Đến nay, toàn huyện có 10/29 trường đạt chuẩn quốc gia; 29/29 trường đạt chuẩn “Xanh – sạch – đẹp – an toàn”; huyện duy trì đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn PCGD TH mức độ 2, đạt chuẩn PCGD THCS và xóa mù chữ mức độ 1.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lê Lợi (Bác Ái) tổ chức hội trại tạo sân chơi
lành mạnh, bổ ích cho học sinh.
Theo đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 306 cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non với trên 149.600 HS; trong đó, có 37.657 HS là người dân tộc DTTS, tăng 1.400 HS so với năm học trước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ công tác giáo dục vùng DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn từ cấp mầm non đến phổ thông như: Miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ gạo, cấp học bổng cho HS các trường bán trú, các chính sách đối với HS dân tộc nội trú, chính sách đào tạo diện cử tuyển và đào tạo dự bị đại học dân tộc. Ngoài ra, tỉnh ta có chính sách đặc thù hỗ trợ chi phí học tập cho HS thuộc diện hộ cận nghèo thuộc vùng DTTS, miền núi.
Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những năm qua, HS nghèo vượt khó, HS khuyết tật, HS DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu và gần đây có thể kể đến Quỹ học bổng của Báo Người Lao Động đã tặng 100 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) cho HS DTTS, HS nghèo trên địa bàn tỉnh; cuối tháng 3 vừa qua, Quỹ học bổng Vừ A Dính do đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính đã tặng 80 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho HS DTTS có hoàn cảnh khó khăn… Đây là món quà vừa có ý nghĩa về mặt vật chất, vừa có ý nghĩa về mặt tinh thần, tạo nguồn động lực lớn để HS DTTS có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, học tập.
Các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, quy định pháp luật; cùng sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nói chung, chất lượng giáo dục dân tộc nói riêng; rút ngắn khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền; đồng thời hoàn thành mục tiêu về PCGD; nâng cao trình độ dân trí trên địa bàn tỉnh.
Lâm Anh