Những năm gần đây, phong trào thanh niên khởi nghiệp, tự thân lập nghiệp trên địa bàn huyện Định Hóa ngày càng phát triển. Nhiều thanh niên đã khởi nghiệp thành công, có mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Song hành với đó là những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh và địa phương đã tiếp sức cho thanh niên trên hành trình khởi nghiệp.
Mô hình gia công đồ gia dụng của anh Dương Văn Hoàng, ở xóm Thành Vượng, xã Bình Thành (Định Hóa) cho thu lãi khoảng 50 triệu đồng/tháng. |
Anh Lý Trung Hiền, ở xóm Nà Lom, xã Phúc Chu, là một trong những thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp và có mô hình bước đầu đem lại hiệu quả cao. Mô hình trồng dưa hấu, dưa lê siêu ngọt kết hợp trồng đậu Hà Lan trên diện tích 3.600m² của anh cho thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm.
Anh Hiền chia sẻ: Năm 2020, khi đang loay hoay tìm nguồn vốn để bắt tay vào khởi nghiệp, tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 100 triệu đồng theo Chương trình vay vốn giải quyết việc làm. Nhờ sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn vốn nên tôi nhanh chóng thu về số vốn đã bỏ ra và bắt đầu cho thu lãi ngay năm thứ 2 khởi nghiệp. Bên cạnh được hỗ trợ vốn, tôi và nhiều thanh niên khác còn được ngành chức năng của huyện tổ chức cho đi tham quan mô hình kinh tế; động viên, hướng dẫn kỹ thuật canh tác…
Cũng khởi nghiệp khi tuổi đời còn rất trẻ, anh Dương Văn Hoàng, sinh năm 1998, ở xóm Thành Vượng, xã Bình Thành, lựa chọn mở cơ sở gia công đồ gia dụng. Các sản phẩm chủ yếu của cơ sở gồm: màn, ga, võng xếp, giường gấp…
Nhờ có nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng với số tiền tích góp của gia đình, anh Hoàng đã xây dựng nhà xưởng rộng khoảng 300m² và mua sắm thiết bị, máy may phục vụ việc gia công.
Anh Hoàng cho biết: Số vốn 50 triệu đồng là rất đáng kể, nhất là đối với những thanh niên bắt đầu khởi nghiệp như tôi. Hiện nay, mỗi tháng, cơ sở gia công của gia đình tôi cung cấp ra thị trường trên 100 nghìn sản phẩm, thu lãi trung bình khoảng 50 triệu đồng/tháng; tạo việc làm cho trên 20 lao động với mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở đã hoạt động ổn định, tuy vậy, để mở rộng quy mô cần số vốn lớn, tôi rất mong được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi nhiều hơn nữa.
Trên địa bàn huyện Định Hóa hiện có trên 20 mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao do thanh niên làm chủ. Có thể kể đến một số mô hình như: Trồng rau củ quả an toàn của anh Hoàng Đình Lập (xã Phượng Tiến); sản xuất, kinh doanh chè của anh Lưu Viết Long (xã Bộc Nhiêu); nuôi dê của anh Trần Văn Lượng (xã Điềm Mặc)…
Tuy nhiên, qua đánh giá cho thấy, số mô hình khởi nghiệp của thanh niên còn ít, chủ yếu có quy mô kinh tế gia đình, chưa tạo thêm được nhiều việc làm, thu nhập cho lao động địa phương.
Thực tế cho thấy, hiện nay, phần lớn thanh niên địa phương trong độ tuổi lao động lựa chọn đi làm tại các khu công nghiệp. Còn đối với những thanh niên quyết tâm khởi nghiệp tại địa phương, vấn đề lớn nhất họ gặp phải là thiếu vốn, lựa chọn ngành nghề khởi nghiệp chưa thật sự phù hợp.
Hiện nay, việc hỗ trợ nguồn vốn cho thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế chủ yếu từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tính đến cuối tháng 5, tổng nguồn vốn vay được ủy thác thông qua tổ chức Đoàn Thanh niên ở 23 xã, thị trấn đạt 171,1 tỷ đồng, với hơn 2.700 hộ còn dư nợ. Nguồn vốn này chưa đáp ứng đủ nhu cầu khởi nghiệp, mở rộng sản xuất – kinh doanh của thanh niên.
Từ thực tế này, hàng năm, UBND huyện Định Hóa và các xã, thị trấn trên địa bàn đều tổ chức các buổi đối thoại với thanh niên để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thanh niên và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn… Cùng với đó, mỗi năm, Huyện đoàn Định Hóa kết hợp với các đơn vị, ngành chức năng tổ chức hàng chục buổi tập huấn về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi và tư vấn, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp. Qua đó khuyến khích thanh niên giúp nhau cùng lập nghiệp, liên kết trong sản xuất, kinh doanh…