Nông dân thi đua, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững
Được xác định là phong trào trọng tâm, nòng cốt, đem lại lợi ích thiết thực đối với hội viên, nông dân, những năm qua, phong trào “nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tạo hiệu ứng mạnh mẽ, tác động tích cực đến đời sống các hộ nông dân, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Thời gian qua, phong trào “nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh phát triển cả bề rộng, chiều sâu, tạo tiền đề cho nông dân tiếp cận thị trường, hội nhập quốc tế. Cùng với việc ban hành quy định về tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã giao chỉ tiêu phấn đấu, đồng thời chỉ đạo Hội cơ sở thực hiện bình xét, biểu dương, suy tôn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chính xác, kịp thời. Tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ vốn vay; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân.
Một trong những hoạt động quan trọng giúp đẩy mạnh phong trào là việc tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ thiết thực cho hội viên trong sản xuất, Hội Nông dân các cấp liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi trả chậm, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, giới thiệu nguồn cung cấp con giống đảm bảo chất lượng và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân. Nhờ đó, khuyến khích các hộ nông dân tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất; nhiều hộ mạnh dạn đầu tư kinh phí, áp dụng tiến bộ kỹ thuật góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Từ phong trào này xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập cao, tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương. Đến nay, toàn tỉnh hình thành được 60 vùng sản xuất tập trung. Bước đầu, một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Vùng hoa, cây cảnh trên 500 triệu đồng/ha/năm ở Tiên Du, thị xã Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh; vùng rau xanh 300 triệu đồng/ha/năm ở thị xã Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành và thành phố Bắc Ninh; vùng cà chua 180 triệu đồng/ha/năm ở Thuận Thành, Tiên Du; vùng hành tỏi 150 triệu đồng/ha/năm ở Gia Bình, Lương Tài; vùng trồng cà rốt 120 triệu đồng/ha/năm ở Gia Bình, Lương Tài…
Số liệu hống kê từ các cấp Hội, bình quân mỗi năm, phong trào thu hút hơn 90.000 hộ nông dân đăng ký tham gia. Qua bình xét, 90% hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Với sự mạnh dạn, chắc chắn trong đầu tư, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ cho nhiều hộ nghèo trong cùng thôn, xã về khoa học kỹ thuật, cây con giống hoặc tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.
Không chỉ giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo làm giàu, phong trào “nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” cũng đã tác động tích cực đến công cuộc xây dựng nông thôn mới của các địa phương thông qua việc đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, khẳng định vai trò của Hội Nông dân các cấp, góp phần xây dựng đời sống nông thôn mới.
Hiệu quả từ Quỹ hỗ trợ nông dân
Bên cạnh hiệu quả của phong trào “nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, để tiếp sức cho nông dân Bắc Ninh làm giàu, trong những năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh đã giúp hàng nghìn hội viên, nông dân được vay vốn sản xuất với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế. Nguồn vốn này đã trở thành động lực quan trọng giúp các hộ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, từng bước cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.
Theo Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh, tính đến hết tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh có trên 1.600 hộ vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng số vốn trên 112 tỷ đồng cho các dự án chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, làng nghề và các loại hình khác.
Ông Trần Đăng Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh khẳng định, Quỹ hỗ trợ nông dân đã giúp các hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ. Từ nguồn quỹ này, các hội viên nông đã xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hội viên và gia đình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn vốn này vẫn còn hạn chế, chỉ đáp ứng được phần nhỏ trong tổng nhu cầu vay vốn của hội viên, nông dân.
Theo ông Trần Đăng Sâm, để quỹ hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho hội viên, nông dân nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách hỗ trợ có liên quan đến quyền lợi của người dân, từ đó nông dân tiếp cận và hưởng thụ từ chính sách. Đồng thời, Hội cũng sẽ lựa chọn những mô hình vay vốn phù hợp, có tính khả thi, bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn vốn và có khả năng nhân rộng.
Đặc biệt, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã ban hành Quyết định số 335 về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030″.
Mục tiêu của đề án nhằm giúp nông dân tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi của tỉnh, thêm nguồn vốn để đầu tư, mở rộng và áp dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh từ quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Bắc Ninh bảo đảm nguồn ngân sách cấp tỉnh cho quỹ hỗ trợ nông dân từ 10 tỷ đồng trở lên/năm và từ 15 tỷ đồng trở lên/năm giai đoạn 2026-2030; cấp từ 300 triệu đồng trở lên/đơn vị/năm và ngân sách cấp xã cấp từ 10 triệu đồng trở lên/đơn vị/năm…