BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư ngay từ khi nó được đưa vào vận hành chính thức. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an thực hiện chia sẻ, rà soát thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Cà Mau. |
BHXH Việt Nam thực hiện đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho cơ sở dữ liệu và các Hệ thống thông tin của ngành; xây dựng, triển khai chuyển đổi cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm; kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, Ngành, địa phương; cập nhật, đồng bộ, xác thực thông tin người tham gia do BHXH Việt Nam quản lý với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong khám chữa bệnh BHYT và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; triển khai cung cấp, liên thông các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; triển khai ứng dụng VssID; phối hợp triển khai VNeID, Sổ sức khoẻ điện tử; hỗ trợ liên thông dữ liệu giấy khám sức khoẻ lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của BHXH Việt Nam…
6 tháng đầu năm, toàn ngành BHXH đã tiếp nhận và xử lý 45 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (chiếm 87% tổng số hồ sơ cả trực tiếp và trực tuyến được tiếp nhận và xử lý).
Đến ngày 15/7, hệ thống đã xác thực được trên 88,8 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do BHXH Việt Nam quản lý (trong đó có hơn 80 triệu người đang tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), chiếm 91% tổng số người tham gia). Đồng thời, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ trên 123,8 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Cả nước có 12.519 cơ sở KCB triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip (đạt 97,7% tổng số cơ sở KCB BHYT trên cả nước), với 32.585.579 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân thành công, phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.
Nhân viên y tế thực hiện thủ tục đăng ký khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân có gắn chip cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau. |
Về việc đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt, ước 6 tháng đầu năm, có khoảng 62% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng 1% so với năm 2022, vượt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao sớm 3 năm (đến năm 2025, 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt).
6 tháng cuối năm 2023, BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai công tác chuyển đổi số, các nhiệm vụ thuộc Đề án 06. Trong đó, triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông trên phạm vi toàn quốc: Hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ, kiểm tra, đôn đốc BHXH cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo việc triển khai được hiệu quả, thực chất, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Tiếp tục phối hợp với ngành công an rà soát, cập nhật, xác thực thông tin người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo 100% người tham gia được xác thực thông tin với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư;…Tiếp tục triển khai kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử Quốc gia để triển khai sử dụng tài khoản định danh do Bộ Công an cấp đáp ứng yêu cầu tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử./.
Hồng Phượng – Hữu Nghĩa