Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 107/NQ-HĐND ngày 9-12-2022 là trên 8.567,3 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương là trên 2.420 tỷ đồng; ngân sách tỉnh là 6.147,3 tỷ đồng. Theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của UBND tỉnh, 4 tháng đầu năm 2023, ước kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 21,6%. Trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Nam Định đứng thứ 7 trong top 10 đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước. Kết quả đó cho thấy UBND tỉnh đã điều hành xử lý linh hoạt, phát huy tối đa vai trò “vốn mồi” của nguồn vốn đầu tư công để thu hút các nguồn đầu tư khác, tiếp lực cho nền kinh tế.
Thi công cầu vượt sông Hồng thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định trên địa bàn huyện Giao Thuỷ. |
Để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực tham mưu cho tỉnh thực hiện đúng theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8-7-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025, các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương,… Các nguồn vốn đầu tư công được phân bổ theo đúng nguyên tắc, định mức; trình Ban TVTU, BCH Đảng bộ tỉnh trước khi trình HĐND tỉnh thảo luận, nhất trí thông qua. Căn cứ Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Nam Định triển khai thực hiện đảm bảo thời gian theo quy định. Kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh tiếp tục được lập theo hướng từng bước nâng cao hiệu quả đầu tư, tập trung nguồn lực để sớm hoàn thành các công trình trọng điểm. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành để nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công. Thường xuyên đôn đốc, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đến nay về cơ bản các nguồn vốn đều đạt kết quả giải ngân tốt, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và phát huy hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh nguồn vốn đầu tư công, Nam Định có 5 dự án thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội được Chính phủ giao với tổng vốn ngân sách Trung ương là 1.511 tỷ đồng; toàn bộ 5 dự án đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư; UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư và giao vốn chi tiết. Cụ thể đối với các dự án: đầu tư cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo và dạy nghề; đầu tư 66 trạm y tế tuyến xã đang triển khai lập thiết kế bản vẽ thi công và tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng và các bước để khởi công nên đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao trong năm 2023. Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng (trong đó có 1.100 tỷ đồng ngân sách Trung ương từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; phần còn lại bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác) đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư; UBND tỉnh đã phê duyệt dự án, giao vốn chi tiết. Sau khi hoàn thiện báo cáo thẩm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường và có ý kiến tham gia của UBND tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; dự kiến khởi công trong quý II-2023. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định có tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng, tổng chiều dài tuyến 65,58km, qua địa bàn các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Về tiến độ thi công: Gói thầu số 1 giá trị thực hiện 800/957 tỷ đồng, đạt 83%; Gói thầu số 2 giá trị thực hiện 650/887 tỷ đồng, đạt 73%; vốn đã bố trí cho dự án 1.908 tỷ đồng (vốn Trung ương 1.315 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 593,575 tỷ đồng), đã giải ngân 1.658 tỷ đồng, kế hoạch giải ngân năm 2023 là 250 tỷ đồng; dự kiến cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển trên địa bàn huyện Trực Ninh. |
Với vai trò tiếp lực, nguồn vốn đầu tư công được tỉnh giải ngân đã được đưa vào thị trường để kích thích tổng cung, tổng cầu tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa, thúc đẩy kinh tế của tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau COVID-19, tình hình thế giới có nhiều biến động. Bên cạnh đó, còn giúp tỉnh tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tăng năng lực vận tải, giúp giảm chi phí lưu thông, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, gia tăng sức thu hút đối với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đầu tư vào địa bàn tỉnh, tạo thêm việc làm cho người lao động…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo đánh giá của UBND tỉnh, việc tổ chức thực hiện dự án ở một số địa phương, đơn vị còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát đôn đốc thực hiện; chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh của các dự án; công tác giải phóng mặt bằng còn chậm trễ; một số Ban quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu kém về năng lực, chấp hành kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm,… Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước; để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2023; ngày 27-4-2023, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2023 UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp các dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện trình UBND tỉnh giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đề xuất phương án xử lý đối với số vốn không thể giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án theo quy định. Hướng dẫn các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Nam Định tổ chức đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật Đầu tư công. Tham mưu UBND tỉnh thực hiện điều hòa linh hoạt vốn giữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách Trung ương bảo đảm giải ngân toàn bộ số vốn của Chương trình trong năm 2023 theo Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3-2-2023 của Chính phủ… Các sở, ban, ngành, chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công tiếp tục rà soát các văn bản pháp lý liên quan đến triển khai, thực hiện dự án đầu tư công để chủ động xử lý theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh phương án xử lý cụ thể để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023. Rà soát, phát hiện, xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, chủ động xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên trực tiếp để xử lý.
Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt nêu trên, tỉnh đang quyết tâm phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công để tạo động lực cho nền kinh tế; phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2023 ./.
Bài và ảnh: Thành Trung