Hôm qua 21.9, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho hay Qualcomm gần đây đã tiếp cận Intel để xem xét khả năng mua lại tập đoàn này vốn đang gặp khó khăn.
Triển vọng thương vụ thâu tóm quy mô “khủng”
Theo đó, Giám đốc điều hành Qualcomm Cristiano Amon đích thân tham gia vào các cuộc đàm phán để mua lại Intel và đang xem xét các lựa chọn khác nhau cho thương vụ này. Hồi đầu tháng 9, một số nguồn tin tiết lộ Qualcomm đang đánh giá khả năng mua lại mảng thiết kế của Intel.
Cả Intel lẫn Qualcomm đều chưa phản hồi về thông tin trên của Reuters. Trong khi đó, sau khi thông tin được đăng tải, giá cổ phiếu của Qualcomm giảm 2,9% nhưng giá cổ phiếu của Intel đã tăng 3,3%.
Hiện tại, Intel đang lâm vào tình cảnh khó khăn khi kết quả kinh doanh không khả quan. Nguyên nhân được cho là vì tập đoàn này không theo kịp các đối thủ trong cuộc chạy đua về các loại chip bán dẫn tiên tiến, đặc biệt là chip bán dẫn đáp ứng sự phát triển bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong khi đó, việc không theo kịp các đối thủ về chip bán dẫn tiên tiến khiến Intel phải tăng cường đầu tư vào các hệ thống sản xuất mới để cung cấp các loại chip tiên tiến nhằm tăng tính cạnh tranh. Thậm chí, công ty này còn mở rộng cả mảng đúc chip nhằm hướng đến tiếp nhận đúc chip cho các công ty khác trong ngành. Điều đó khiến chi phí đầu tư gia tăng giữa lúc doanh thu sa sút nên tình hình thêm khó khăn. Những lý do này dẫn đến tình trạng thua lỗ gần đây và Intel đã phải tiến hành kế hoạch cắt giảm 15.000 nhân sự.
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của Intel giảm gần 60%, từ mức xấp xỉ 50 USD/cổ phiếu xuống còn khoảng 21 USD/cổ phiếu. Mặc dù vậy, giá trị thị trường hiện nay của Intel vẫn ở mức xấp xỉ 100 tỉ USD, còn Qualcomm đang có giá trị khoảng 188 tỉ USD. Chính vì thế, nếu Qualcomm thâu tóm thành công Intel thì sẽ trở thành một công ty “khủng” trong ngành chip bán dẫn.
Tham vọng của Qualcomm
Tất nhiên, dù có thâu tóm thành công Intel thì Qualcomm vẫn khó có thể theo kịp giá trị thị trường lên đến hơn 2.800 tỉ USD như NVIDIA. Thế nhưng, việc sở hữu Intel tạo ra sức mạnh lớn cho Qualcomm để tiến tới vị trí thống trị mảng chip xử lý cho thiết bị di động và máy tính cá nhân (PC). Nhiều năm qua, Qualcomm giữ vị trí dẫn đầu thị trường chip xử lý trên điện thoại di động thông minh (smartphone) và máy tính bảng (tablet) cùng nhiều thiết bị công nghệ di động khác.
Cuối năm ngoái, sau một thời gian ra mắt với nhiều dòng chip xử lý khác nhau dựa trên cấu trúc ARM (vốn chuyên dành cho smartphone và tablet) để tích hợp cho máy tính xách tay (laptop), Qualcomm đã tung ra nền tảng Snapdragon X Plus và X Elite với hiệu năng được đánh giá không hề thua kém những dòng chip xử lý theo cấu trúc X86 mà Intel và AMD đã sản xuất suốt hàng chục năm qua. Không những vậy, Snapdragon X Elite và X Plus còn có ưu thế về tiết kiệm điện và tích hợp nhiều công nghệ hỗ trợ AI. Đến tháng 6 vừa qua, những dòng laptop đầu tiên trang bị Snapdragon X Elite và X Plus với sự phối hợp của Microsoft đặt nền móng cho dòng laptop Copilot+ đã được bán ra thị trường, mở đầu cho kỷ nguyên laptop AI thế hệ mới.
Thế nhưng, sau một thời gian ra mắt trên thị trường, laptop tích hợp nền tảng Snapdragon vẫn chưa đủ sức thuyết phục về khả năng thay thế hay “lật đổ” đối thủ như Intel hay AMD. Ngoài ra, laptop tích hợp chip xử lý Snapdragon dựa theo cấu trúc ARM vẫn còn một số giới hạn khi sử dụng các phần mềm, ứng dụng so với laptop sử dụng chip xử lý theo cấu trúc X86. Chính vì thế, nếu sáp nhập thêm mảng chip xử lý từ Intel thì Qualcomm có thể thống trị chip xử lý không chỉ trên thiết bị di động mà còn cả trên PC (bao gồm máy tính bàn và laptop). Bên cạnh đó, Intel còn có cả các bộ xử lý đồ họa rời để bổ khuyết cho dải sản phẩm của Qualcomm.
Tuy nhiên, việc chỉ có lượng tiền mặt khoảng 13 tỉ USD sẽ trở thành khó khăn lớn cho Qualcomm về nguồn lực tài chính để thâu tóm Intel.
Tín hiệu khả quan cho Intel
Trước khi rộ lên thông tin bị Qualcomm tìm cách thâu tóm, Intel được truyền thông Mỹ thông tin về tín hiệu khả quan. Cụ thể, Giám đốc điều hành CEO Pat Gelsinger mới đây thông báo tập đoàn này đã ký được một thỏa thuận với Công ty dịch vụ web Amazon (AWS – thuộc tập đoàn Amazon) về việc sản xuất chip bán dẫn cho AWS.
Bên cạnh đó, Intel sẽ chuyển đổi hoạt động kinh doanh của mảng đúc chip thành một công ty con với ban giám đốc độc lập. Động thái này nhằm tạo ra sự tách biệt rõ ràng giữa các doanh nghiệp thiết kế và sản xuất của Intel, giúp khách hàng đúc chip yên tâm rằng các nhóm thiết kế của Intel sẽ không có quyền tiếp cận vào thiết kế chip mà các đối tác đặt hàng mảng đúc chip của Intel. Hồi đầu năm nay, Intel công bố mở ra mảng đúc chip với mục đích đáp ứng nhu cầu sản xuất chip theo yêu cầu riêng cho các tập đoàn công nghệ như Amazon, Microsoft… phục vụ việc phát triển AI.
Ngoài ra, Intel vừa qua cũng xác nhận có được khoản hỗ trợ lên đến 3 tỉ USD từ Đạo luật CHIPS của Mỹ trong một chương trình hợp tác cùng Bộ Quốc phòng Mỹ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tiep-can-thau-tom-intel-qualcomm-huong-den-tham-vong-thong-tri-185240921200427878.htm