Sáng 2-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp trực tuyến lần thứ nhất Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế (HNQT). Tham dự phiên họp còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà…
Tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp (chụp qua màn hình). |
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 22, nước ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Điều này cho thấy đây là một định hướng chiến lược hết sức đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước ta, góp phần đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với 7 nước lên Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện và 7 nước lên Đối tác toàn diện góp phần tạo ra mạng lưới Đối tác chiến lược/Đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn.
Việt Nam chính thức tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như tham gia sâu rộng vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và liên kết thương mại thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA…, góp phần củng cố và tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, rộng mở cho phát triển đất nước.
Tại tỉnh Tiền Giang, công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Trung ương và luôn kịp thời, sâu sát trong triển khai thực hiện Nghị quyết 22.
Các hoạt động HNQT được thực hiện theo chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, xin ý kiến theo quy định.
Qua 10 năm triển khai Nghị quyết số 22 tại địa phương, nhận thức của người dân, doanh nghiệp (DN), các cấp ngày càng có sự chuyển biến tích cực.
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang. |
Việc nâng cao nhận thức đã giúp phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đối với công tác HNQT. Từ đó, công tác HNQT ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về HNQT về kinh tế, tỉnh đã hỗ trợ DN trong quá trình kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Xuất khẩu năm 2013 đạt 1,2 tỷ USD, năm 2023 dự kiến 4,17 tỷ USD.
Tốc độ tăng bình quân trong 10 năm qua là 15,65%/năm. Kể từ khi Nghị quyết số 22 được ban hành, kết quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều kết quả khả quan, từ năm 2014 – 2023, tỉnh thu hút được 90 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 29.087 tỷ đồng (tương đương 1,318 tỷ USD).
Có 16 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn này. Các ngành nghề chủ yếu thu hút giai đoạn này là ngành may, chế biến thực phẩm, nhựa, chế tác kim loại…
Lũy kế đến nay, tỉnh Tiền Giang có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với 137 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,805 tỷ USD.
Về kết quả triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, hằng năm, tỉnh đều có ban hành danh mục dự án mời gọi đầu tư làm cơ sở cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018.
Các hoạt động chính trị đối ngoại luôn được quan tâm thực hiện. Tính đến nay, tỉnh ký kết 4 bản ghi nhớ với 4 đối tác quốc tế như: Bộ Thủy sản Mozambique (21-10-2010), chính quyền tỉnh Maputo – Mozambique (5-5-2011), chính quyền tỉnh Pursat – Campuchia (24-4-2012), chính quyền tỉnh Khăm Muộn – Lào (3-4-2015)…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, HNQT của nước ta còn nhiều tiềm năng, dư địa cần khai thác phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước ta trên tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phải nhận thức HNQT là vấn đề chiến lược, là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân trên tất cả các lĩnh vực, cần có nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn.
Do đó, cần phải phát huy vai trò trung tâm của người dân và DN. HNQT vừa là cơ hội vừa là thách thức, là công việc khó, nhạy cảm, nhưng không thể không làm.
Hội nhập phải sâu rộng toàn diện, nhưng phải thực chất, hiệu quả. Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó phải phân tích rõ mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và HNQT trên tất cả các lĩnh vực.
Hội nhập trên các lĩnh vực khác nhau phải gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau, cái này là động lực, cảm hứng cho cái kia, ngược lại phải có trọng tâm, trọng điểm. Hội nhập trên các lĩnh vực khác nhau phải tạo ra thuận lợi trong lĩnh vực này thúc đẩy lĩnh vực kia.
HNQT phải có chuyển biến về thực chất, nâng cao năng lực thực thi, phải trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; trong đó phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trước hết, đảm bảo hài hòa lợi ích với đối tác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải tiếp tục suy nghĩ, vận dụng sáng tạo phù hợp tình hình trong và ngoài nước, 3 trụ cột phát triển của đất nước ta.
Thứ nhất là dân chủ xã hội chủ nghĩa; thứ 2 là vận dụng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thứ 3 là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải tiếp tục cụ thể hóa 3 trụ cột trong đổi mới nước ta.
Thứ nhất là xóa quan liêu, bao cấp; thứ 2 là đa thành phần, đa sở hữu; thứ 3 là hội nhập. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, nhưng phải đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế vì mục tiêu hòa bình, hợp tác phát triển. Tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nhưng chủ động tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả…
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, trước hết, HNQT trong giai đoạn mới phải bám sát và phục vụ hiệu quả các chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực HNQT sâu rộng thực chất và hiệu quả.
Đây là thời điểm chúng ta phải tạo ra được các bước phát triển mới về chất, tranh thủ hiệu quả các xu thế mới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc chuyển dịch, tái sắp xếp các chuỗi cung ứng… Chúng ta đang ở vị trí như thế do đó, phải duy trì, củng cố phát triển lên mới có nguồn lực phát triển đất nước. Các thỏa thuận quốc tế phải nghiên cứu thật kỹ và giữ thế chủ động và các cam kết phải thực hiện hiệu quả cụ thể…