Việt Nam có nhiều loại nông sản, để nâng cao giá trị xuất khẩu, sức cạnh tranh cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản.
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp, có nhiều nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng vì chưa xây dựng được thương hiệu mạnh nên giá trị thu về của người nông dân, doanh nghiệp và đất nước chưa tương xứng. Có thể lấy ví dụ như cùng là sầu riêng, nhưng sầu riêng Malaysia có thương hiệu nên giá rất cao, trong khi chất lượng sầu riêng Việt Nam không kém thì giá rẻ hơn. Việt Nam xuất khẩu chuối qua Trung Quốc số lượng lớn nhưng đa số người tiêu dùng chỉ biết đến chuối Philippines…
Việt Nam có nhiều nông sản, hoa quả chất lượng được thế giới ưa chuộng
|
Có thể nói, tên tuổi, vị thế nông sản Việt vẫn chưa thể định hình, định danh trên thị trường quốc tế khi có tới gần 80% sản phẩm đến tay người tiêu dùng dưới danh nghĩa của những doanh nghiệp nước ngoài… Trước thực tế đó, thời điểm hiện tại có thể nói việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi chúng ta mở được nhiều cánh cửa thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU… qua các hiệp định thương mại đa phương, song phương đã ký kết và có hiệu lực.
Đặc biệt Trung Quốc, thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới ở sát ngay bên cạnh cũng chính thức mở cửa cho nhiều nông sản Việt Nam với các yêu cầu cao hơn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng thành công thương hiệu quốc gia sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp bà con nông dân thoát khỏi vấn nạn “trồng chặt”, có thu nhập cao hơn, ổn định hơn, gia tăng số lượng nông dân tỉ phú. Từ đó, tiến tới một nền kinh tế nông nghiệp giá trị cao thay vì sản xuất nông nghiệp và “buôn chuyến” như hiện nay…
Cà phê Việt Nam thương hiệu được biết đến trên thị trường quốc tế
|
Theo ông Boonlap Watcharawanitchakul, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam: Việt Nam có rất nhiều sản phẩm, cung cấp rất nhiều nông sản, thủy sản cho thế giới, nhưng đó không phải là sản phẩm đặc trưng mà nhiều quốc gia khác cũng có thể sản xuất được. Vì vậy, phải chọn lựa sản phẩm độc đáo để tập trung quảng bá đến khắp thế giới. Có sản phẩm khác biệt rồi thì phải có tiêu chuẩn chất lượng, và phải có chiến lược marketing mang tầm quốc gia…
Để xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản, theo ông Văn Hữu Huệ – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long: Các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp thiết lập các vùng chuyên canh sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Thực hiện các chính sách khuyến khích xây dựng và bảo hộ các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, truyền thống của các địa phương…
Thủy sản ngày một đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu
|
Kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy để thành công trong việc thúc đẩy tiêu thụ đặc sản địa phương tại các thị trường xuất khẩu thì cần chú trọng đến việc gây dựng, bảo vệ và gìn giữ thương hiệu. Do đó, ngoài việc quy hoạch phát triển các vùng nông sản chất lượng cao thì việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam trên thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài…
Về câu chuyện xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: “Thương hiệu quốc gia cho nông sản là câu chuyện dài. Chúng ta đã chậm chân, nhưng phải đi những bước đầu tiên và tôi tin rồi sẽ đến nơi”…
Thời gian qua, các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã quan tâm, tiếp cận và triển khai thúc đẩy xây dựng thương hiệu cho nông sản. Nhiều chương trình, đề án, dự án, kế hoạch nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu đã được thực hiện từ Trung ương đến địa phương, tiếp cận theo xu hướng chung của thế giới để xây dựng thương hiệu quốc gia và thương hiệu vùng, miền, địa phương.
Có thể nói, xây dựng thương hiệu quốc gia được xem như hạt nhân của chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu trong dài hạn nhằm quảng bá, định vị thương hiệu nông sản Việt Nam dựa trên những bản sắc, lợi thế của đất nước. Thương hiệu quốc gia được sử dụng như một công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thông qua các chương trình quảng bá, giới thiệu có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn.
Xuất khẩu gạo kéo dài đã tăng trưởng
|
Để xây dựng thương hiệu quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt và triển khai nhiều chương trình như: Chiến lược xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt Nam, Chương trình thương hiệu quốc gia (Vietnam Value), Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… Mục đích của các chương trình này nhằm xây dựng, quảng bá nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, để sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phát huy giá trị, nâng cao sức cạnh tranh.
Theo Báo điện tử Công Thương
.