Địa lý
Tỉnh Tiền Giang nằm trong tọa độ địa lý 105°49’07” đến 106°48’06” kinh độ Đông và 10°12’20” đến 10°35’26” vĩ độ Bắc, có vị trí địa lý:
- Phía đông giáp Thành phố Hồ Chí Minh và Biển Đông
- Phía tây giáp tỉnh Đồng Tháp
- Phía nam giáp tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long
- Phía bắc giáp tỉnh Long An
Tiền Giang nằm trải dọc trên bờ bắc Sông Tiền (một nhánh của Sông Cửu Long) với chiều dài 120 km, kéo dài đến các cửa biển đổ vào Biển Đông. Nhờ vị trí thuận lợi, Tiền Giang đã trở thành trung tâm văn hóa chính trị của cả Đồng bằng sông Cửu Long, là địa bàn trung chuyển hết sức quan trọng gắn cả miền Tây Nam Bộ. Đồng thời giúp Tiền Giang trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển hàng đầu trong khu vực Tây Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tiền Giang có khu vực giáp Biển Đông thuộc huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông với bờ biển dài 32 km nằm kẹp giữa các cửa sông lớn là Xoài Rạp và cửa Tiểu, cửa Đại thuộc hệ thống sông Tiền. Vị trí này rất thuận lợi cho nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Thủy sản nước lợ gồm con giống và con non sinh sản và di chuyển vào sâu trong bờ, trữ lượng hàng năm ước tính về tôm, cua, cá, sò, nghêu… tại các vùng cửa sông là 156.000 tấn. Hải sản, tiềm năng hải sản khá dồi dào với trữ lượng hàng năm về sinh vật nổi lên đến 12.000 triệu tấn thực vật phiêu sinh, 5,96 triệu tấn động vật phiêu sinh, 4,7 triệu tấn sinh vật đáy và hơn 1 triệu tấn cá.
Điều kiện tự nhiên
Địa hình
Tỉnh Tiền Giang có địa hình bằng phẳng, với độ dốc nhỏ hơn 1% và cao trình biến thiên từ 0 mét đến 1,6 mét so với mặt nước biển, phổ biến từ 0,8 mét đến 1,1 mét. Nhìn chung, toàn vùng không có hướng dốc rõ ràng, tuy nhiên có những khu vực có tiểu địa hình thấp trũng hay gò cao hơn so với địa hình chung. Trên địa bàn còn có rất nhiều giồng cát biển hình cánh cung có cao trình phổ biến từ 0,9 – 1,1 mét nổi hẳn lên trên các đồng bằng xung quanh.
Thổ nhưỡng
Đất đai của tỉnh phần lớn là nhóm đất phù sa trung tính, ít chua dọc sông Tiền chiếm khoảng 53% diện tích toàn tỉnh, thuận lợi nguồn nước ngọt, từ lâu đã được đưa vào khai thác sử dụng, hình thành vùng lúa năng suất cao và vườn cây ăn trái chuyên canh của tỉnh; còn lại 19,4% là nhóm đất phèn và 14,6% là nhóm đất phù sa nhiễm mặn,…
Khí hậu
Tiền Giang mang tính chất nội chí tuyến – cận xích đạo và khí hậu nhiệt đới gió mùa nên nhiệt độ bình quân cao và nóng quanh năm. Nhiệt độ bình quân trong năm là 27oC – 27,9oC. Với 2 mùa rõ rệch là mùa mưa và mùa khô. Mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, lượng mưa trung bình 1.210 – 1.424 mm/năm và phân bố ít dần từ bắc xuống nam, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11.
Khoáng sản
Tiền Giang là tỉnh có nhiều trữ lượng về khoáng sản, các khoáng sản chủ yếu là than, bùn, set, trữ lượng cát trên sông, và trữ lượng nước ngầm,…Trong đó, các mỏ than bùn bị phủ một lớp sét, mùn thực vật dày 0-0,7 mét, trung bình là 0,3 mét. Mỏ sét Tân Lập có nguồn gốc trầm tích hỗn hợp sông biển, tuổi Holocen, có lớp phủ dày 0,2 – 3 mét, phân bố trên diện tích 2 – 3 km2 với chiều dày 15 – 20m. Trữ lượng tương đương 6 triệu m3. Các mỏ cát được xác định, phân lớp tập trung tại địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành với 9 thân cát có trữ lượng lớn với chiều dài 2 – 17 km, rộng 300 – 800m, dày 2,5-6,9 mét, có chất lượng đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp. Nước dưới đất trên phạm vi tỉnh có 3 tầng chứa nước có triển vọng, có độ giàu nước từ lớn đến trung bình, có chất lượng tốt, đủ điều kiện khai thác với quy mô lớn và vừa gồm các phân vị Pliocen trên, Pliocen dưới và Miocen.
Thủy văn
Tiền Giang có mạng lưới sông, rạch chằng chịt, bờ biển dài thuận lợi cho việc giao lưu trao đổi hàng hoá với các khu vực lân cận đồng thời là môi trường cho việc nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Trong đó, sông Tiền là nguồn cung cấp nước ngọt chính, chảy 115 km ngang qua lãnh thổ Tiền Giang. Sông Vàm Cỏ Tây là một sông không có nguồn, lượng dòng chảy trên sông chủ yếu là từ sông Tiền chuyển qua, là nơi nhận nước tiêu lũ từ Đồng Tháp Mười thoát ra và là một tuyến xâm nhập mặn chính từ biển vào. Hầu hết sông, rạch trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều không đều. Đặc biệt vùng cửa sông có hoạt động thủy triều rất mạnh, biên độ triều tại các cửa sông từ 3,5 – 3,6m, tốc độ truyền triều 30 km/h, tốc độ độ chảy ngược trung bình 0,8 – 0,9 m/s, lớn nhất lên đến 1,2 m/s và tốc độ chảy xuôi đến 1,5 – 1,8 m/s.
Rừng
Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, tổng diện tích đất có rừng 2.426,8 ha; tỷ lệ che phủ rừng là 0,9%. Đất rừng thuộc địa bàn các huyện: Gò Công Đông (518,6 ha), Tân Phú Đông (846,8 ha), Tân Phước (1.061,4 ha). Diện tích rừng trồng lại là 2.363,5 ha.