Tổ chức kỷ niệm và tuyên truyền về các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, của tỉnh là nội dung quan trọng của công tác tư tưởng, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Ban Bí thư Trung ương Đảng rất quan tâm chỉ đạo. Những năm qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Tiền Giang đã tích cực tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác này, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang Võ Văn Chiến cho biết:
Tổ chức kỷ niệm và tuyên truyền về các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, của tỉnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Ban Bí thư đã cụ thể hóa trong Quyết định 238 ngày 30-9-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về “Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm”.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, thời gian qua, Sở VH-TT&DL tỉnh với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Tổ chức các ngày lễ lớn cấp tỉnh (gọi tắt Ban Tổ chức tỉnh) đã tích cực tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, của tỉnh, đảm bảo tổ chức thành công các sự kiện với phương châm: Thiết thực, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm. Mỗi giai đoạn 5 năm và trong từng thời điểm cụ thể, Ban Tổ chức tỉnh đều được củng cố, đảm bảo đủ thành viên các ngành, địa phương có liên quan để cùng nhau phối hợp tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức tốt các sự kiện.
Cụ thể, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương và các văn bản hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh đã chỉ đạo tuyên tuyền, tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, của tỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương như: Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930); Giỗ Tổ Hùng Vương (Mùng 10 tháng 3 âm lịch); ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975); Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954); Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890); Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945); Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7-1947); Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Tiền Giang lần thứ IX năm 2022; Kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng Ấp Bắc và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Chiến thắng Ấp Bắc, Kỷ niệm 60 năm Báo Đảng bộ tỉnh Tiền Giang mang tên Ấp Bắc; Lễ trao tặng, truy tặng Danh hiệu Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng năm 2023; công bố huyện nông thôn mới: Gò Công Tây, huyện Cai Lậy; Khánh thành Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang…
Đặc biệt, với chủ trương xây dựng kinh tế 3 vùng, những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức nâng tầm lễ hội các vùng với tính chất, quy mô và đa dạng về nội dung. Ở vùng phía Tây, Lễ hội Văn hóa – Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp đã được tổ chức 2 năm/lần và ngày càng trở thành một thương hiệu của tỉnh. Ở khu vực trung tâm, Lễ hội VH-TT&DL tỉnh đã được tổ chức thành công lần thứ I vào năm 2019, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa thể tổ chức lần thứ II, dự kiến sẽ tổ chức vào cuối năm 2023, sẽ nâng tầm về quy mô và chất lượng. Ở vùng phía Đông, Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và năm 2024 tới đây, sẽ kỷ niệm 160 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết. Nội dung này đã được Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo sẽ sớm chuẩn bị và triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2024, đây sẽ là sự kiện ưu tiên, nổi bật của tỉnh Tiền Giang trong năm 2024.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tiền Giang đã ban hành danh mục các ngày lễ lớn cấp tỉnh với hơn 50 cuộc lễ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giai đoạn 2021-2022, nhiều cuộc lễ đã chuyển thành công tác tuyên truyền do không thể tổ chức với hình thức tập trung. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn 3091 ngày 21-6-2023, Sở VH-TT&DL đã phối hợp với các ngành, các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung Danh mục các ngày lễ lớn giai đoạn 2023-2025 phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh, đảm bảo tính khả thi và sức lan tỏa của các cuộc lễ trong thời gian tới.
* PV: Công tác tổ chức các sự kiện, các ngày lễ, hội lớn của đất nước cũng như của tỉnh còn hạn chế gì cần khắc phục, thưa đồng chí?
* Đồng chí Võ Văn Chiến: Bên cạnh những thuận lợi thì công tác tổ chức các sự kiện, các ngày lễ, hội lớn của đất nước cũng như của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Một số địa phương khi tổ chức lễ không đảm bảo tính thống nhất trong công tác trang trí, khánh tiết. Việc tuyên truyền cổ động trực quan vẫn còn mang tính hình thức, qua loa, thiếu kiểm tra dẫn đến tình trạng băng-rôn, cờ, phướn… bị rách, bạc màu hoặc treo không đúng quy cách, quy chuẩn.
Lễ hội Văn hóa – Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ V năm 2022 tại huyện Cái Bè thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Ảnh: THÀNH THẮNG |
Cùng với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới nhưng một số địa phương chưa cân đối được kinh phí thực hiện các công trình dành riêng cho việc tuyên truyền, cổ động trực quan. Việc quảng cáo rao vặt vẫn còn diễn ra nhiều, dẫn đến thiếu tính trang trọng của việc tuyên truyền.
Tỉnh đã phân cấp các cuộc lễ do cấp tỉnh hoặc cấp huyện và các ngành tổ chức, tuy nhiên, một số địa phương chưa chủ động triển khai tổ chức các cuộc lễ do địa phương chủ trì thực hiện, dẫn đến ỷ lại vào sự hướng dẫn, hỗ trợ của cấp tỉnh.
* PV: Để khắc phục những hạn chế này, với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Tổ chức các ngày lễ lớn cấp tỉnh, xin đồng chí cho biết một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới?
* Đồng chí Võ Văn Chiến: Để công tác tổ chức các sự kiện, lễ lớn trong thời gian tới đạt kết quả tốt, Sở VH-TT&DL tiếp tục tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, bảo đảm kịp thời, đúng định hướng chính trị, tư tưởng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác định hướng, hướng dẫn, nâng cao chất lượng, làm phong phú nội dung các ngày lễ lớn. Thống nhất chung về hình thức trang trí, khánh tiết, trình tự nội dung phù hợp với tính chất cuộc lễ. Vận dụng những quy định của Trung ương và địa phương vào việc tổ chức lễ, phải đảm bảo tính chính thống.
Hai là, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm bằng các hình thức phù hợp, thiết thực và tương xứng với ý nghĩa lịch sử của từng sự kiện, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, gắn với tuyên truyền các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng của địa phương, đơn vị.
Ba là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức lễ có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực, trình độ, tâm huyết làm công tác lễ; vận động các tổ chức, cá nhân, nhất là các văn nghệ sĩ, trí thức sáng tác và quảng bá, biểu diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị chính trị, tư tưởng và tính nghệ thuật cao để chào mừng các ngày lễ lớn. Phát huy vai trò của các đồng chí lão thành cách mạng, hưu trí, giảng viên lý luận, người có uy tín…
Bốn là, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm; tăng cường quan tâm tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm ở các khu vực, địa bàn vùng sâu, vùng xa; chú trọng tuyên truyền cho thế hệ trẻ.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng trong triển khai các hoạt động kỷ niệm. Chủ động tổ chức đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, lợi dụng việc tổ chức các ngày lễ lớn để xuyên tạc các sự kiện lịch sử, các anh hùng dân tộc, các lãnh đạo tiền bối. Nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, bảo vệ chính trị nội bộ, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong nhân dân; ngăn chặn, xử lý việc phát tán thông tin xấu độc, xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…
* PV: Xin cảm ơn đồng chí.
THU HOÀI
.