Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới nhằm tạo bước chuyển biến căn bản, toàn diện về nhận thức của đội ngũ cán bộ ngành văn hóa, làm hạt nhân lan tỏa trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. |
Ngày 18-8-2023, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về kết quả công tác nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Dự buổi làm việc còn có các đồng chí: Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL); Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, các cục, vụ, viện, đơn vị… trực thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ VHTTDL.
Nhiều điểm sáng VHTTDL nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII
Báo cáo kết quả công tác nửa đầu nhiệm kỳ và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nửa cuối nhiệm kỳ, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương và với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, chủ động trong chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ, lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch từ đầu nhiệm kỳ đến nay phát triển tương đối toàn diện, một số mặt đạt kết quả nổi bật.
Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc. |
Đặc biệt, sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, các hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hoá đối với sự phát triển bền vững đất nước đã được nâng lên và lan toả trong xã hội. Khung khổ pháp lý cho hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch được rà soát tổng thể, từng bước hoàn thiện. Nguồn lực đầu tư cho văn hoá từng bước được quan tâm theo hướng chăm lo cho văn hoá, đầu tư cho văn hoá là đầu tư cho sự phát triển bền vững, có tính chất lâu dài.
Các chương trình văn hoá, nghệ thuật phục vụ các sự kiện chính trị, nhu cầu hưởng thụ của nhân dân được tổ chức thực hiện bài bản, có trọng tâm, trọng điểm dưới nhiều hình thức, trực tiếp và trực tuyến, khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hoá giữa các vùng trong cả nước, nổi bật là mô hình “Nhà hát online”, các chương trình nghệ thuật với chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” được phát trên nền tảng số đã kịp thời khích lệ, động viên, cổ vũ tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” từng bước đi vào thực chất, góp phần xây dựng môi trường văn hoá, xây dựng con người, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hoá, văn hoá các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm. Công tác thông tin đối ngoại và ngoại giao văn hoá được tăng cường hiệu quả quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Việt Nam đã ứng cử thành công với số phiếu cao nhất vào Uỷ ban liên Chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể giai đoạn 2022 – 2026.
Phong trào thể thao quần chúng được thúc đẩy, thu hút hơn 17 triệu người tham gia tập luyện thể dục thường xuyên. Thể thao thành tích cao đạt một số kết quả ấn tượng. Du lịch nội địa tăng trưởng tích cực, du lịch quốc tế từng bước phục hồi.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại buổi làm việc. |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đồng chí Nguyễn Văn Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế: Việc xây dựng, trình phê duyệt một số Chương trình, đề án xương sống của ngành còn chậm, như Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030, trong đó chú trọng 02 Đề án nhánh phát triển bóng đá, điền kinh còn chậm do Chính phủ đang chờ kết luận tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị; việc phát triển du lịch, phát triển công nghiệp văn hoá vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa – lịch sử; công tác quản lý nhà nước thông qua các công cụ pháp luật từng bước đi vào nền nếp, nhưng việc kiểm tra, giám sát, xử lý các sai phạm thuộc lĩnh vực quản lý đã phân cấp cho các địa phương cần được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ hơn nữa, nhất là trong công tác quản lý về di sản, tổ chức các hoạt động biểu diễn, tổ chức lễ hội; việc xử lý các vướng mắc, tồn tại liên quan đến công tác cổ phần hoá kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù tập thể lãnh đạo Bộ nhiệm kỳ 2021 – 2025 tập trung chỉ đạo sát sao, tuy nhiên một số nội dung còn vướng mắc tới các quy định của pháp luật; nguồn nhân lực chất lượng cao còn yếu và thiếu…
Tại buổi làm việc, các đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các cục, vụ, viện trực thuộc Bộ VHTTDL và Ban Tuyên giáo Trung ương đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm làm rõ hơn những kết quả về VHTTDL đã đạt được nửa nhiệm kỳ qua, chỉ rõ nguyên nhân, hạn chế và cách khắc phục những yếu kém, hạn chế trong lĩnh vực này. Ngoài ra, các chuyên gia, nhà quản lý cũng kiến nghị nhiều vấn đề, giải pháp nhằm thúc đẩy, chấn hưng văn hóa, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Tập trung khơi thông các nguồn lực để phát triển văn hóa
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá và nhất trí cao với báo cáo của Bộ VHTTDL cũng như các tham luận của các cục, vụ, đơn vị đã minh họa làm sáng tỏ thêm những kết quả mà ngành VHTTDL đã làm được hơn nửa nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, để có cái nhìn toàn diện, chúng ta cần phải có thêm những đánh giá đầy đủ, sâu sắc. Việc đánh giá phải thực hiện từ cấp cơ sở, địa phương. Từ đó nhìn ra những chuyển động, đổi mới sau khi có Nghị quyết Đại hội XIII.
Theo Phó Thủ tướng, những hạn chế tồn tại trong ngành văn hoá và công tác quản lý văn hoá trong nửa nhiệm kỳ qua nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của văn hóa, chưa đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị… Do vậy, chúng ta còn chậm thể chế hoá, phát triển văn hoá chưa đồng bộ, nặng về hình thức; môi trường văn hoá bị ô nhiễm bởi tệ nạn tham nhũng, tiêu cực….
Chính vì vậy, theo Phó Thủ tướng, trong nửa nhiệm kỳ tới, chúng ta cần tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những luật liên quan tới quản lý văn hoá; tiếp tục phát hiện, gìn giữ, bảo tồn và phát triển các di sản vật thể và phi vật thể; xây dựng chương trình mục tiêu về văn hoá; tập trung đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ những người làm văn hóa vừa có tâm, vừa có tầm để có thể tạo ra những giải pháp đột phá, đổi mới về tư duy để chấn hưng, thực hiện thành công “đại công trình” về văn hóa.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương biểu dương những kết quả mà toàn ngành VHTTDL đã làm được trong nửa nhiệm kỳ qua. Đồng chí cho rằng, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, dự báo tình hình thế giới và trong nước bên cạnh những thời cơ, thuận lợi sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen; vì vậy để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong nửa nhiệm kỳ còn lại là hết sức nặng nề.
Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng về phát triển văn hóa; trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII và 06 nhóm nhiệm vụ, 04 nhóm giải pháp trong bài phát biểu chỉ đạo rất quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; tạo bước chuyển biến căn bản, toàn diện về nhận thức của đội ngũ cán bộ ngành văn hóa, làm hạt nhân lan tỏa trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL cũng cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách thức tiếp cận, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Tập trung nghiên cứu, rà soát, khẩn trương thể chế hóa đầy đủ đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án, đề án đã ban hành. Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý văn hóa từ Trung ương đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với xã hội hóa các dịch vụ công theo lộ trình hợp lý. Quan tâm đầu tư xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030. Nâng cao năng lực thực thi pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch…
Đặc biệt, trong thời gian tới, Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL cần thống nhất ý chí và hành động trong toàn ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Cần phải chỉ đạo cụ thể hóa, đưa các hệ giá trị thấm sâu vào đời sống, trở thành “nền tảng”, “ngọn hải đăng” cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Ngoài ra, theo đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, để hoạt động văn hóa thực sự có hiệu quả, chúng ta cần phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, gắn với triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở 06 vùng kinh tế – xã hội của cả nước, phù hợp đặc thù vùng, miền, dân tộc, tôn giáo… Nâng cao hiệu quả đầu tư công, tập trung tháo gỡ các “nút thắt”, “điểm nghẽn” chính sách, khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho sự nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Tập trung xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới./.
Theo dangcongsan.vn
.