Trong 8 tháng đầu năm 2023, Tiền Giang đón hơn 256.000 lượt khách quốc tế, gấp 7,3 lần so cùng kỳ năm ngoái, vượt hơn 2,4% so với kế hoạch năm 2023 và bằng 59,5% so với năm 2019 (thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19).
Khách quốc tế tham quan quy trình sản xuất chocolate tại Cơ sở mua sắm Sôcôla Kimmy
Tính riêng tháng 8, Tiền Giang đón 121.572 lượt khách, tăng 18,8% so với tháng trước, tăng 70,9% so cùng kỳ năm ngoái và bằng 71,0% so với năm 2019. Tháng 8 năm nay cũng ghi nhận kỷ lục đón khách quốc tế nhiều nhất của Tiền Giang kể từ khi mở cửa đến nay với 42.517 lượt, tăng 18,0% so với tháng trước, gấp 7 lần so cùng kỳ năm ngoái và bằng 75,4% so với năm 2019.
Động lực tăng trưởng chính trong tháng này đến từ những thị trường lớn như: Malaysia (tăng 62,0% so với tháng 7), Trung Quốc (tăng 55,1%), Nhật Bản (tăng 48,3%). Một số thị trường nhỏ hơn nhưng có mức tăng đột phá như Tây Ban Nha (tăng 139,2%), Pháp (128,1%) và Đài Loan (tăng 117,0%).
Tính chung 8 tháng đầu năm, Tiền Giang đón trên 256.000 lượt khách quốc tế và trên 620.000 lượt khách nội địa. Doanh thu từ khách du lịch đạt 552 tỷ đồng. Ấn Độ là thị trường gửi khách lớn nhất trong 8 tháng đầu năm với 24.549 lượt, chiếm 9,6% tổng lượng khách; Malaysia xếp thứ hai với 15.023 lượt (chiếm 5,9%) và Úc xếp thứ ba với 9.273 lượt (chiếm 3,6%).
Trong những thị trường gửi khách nhiều nhất đến Tiền Giang, Đông Bắc Á có 4 thị trường: Hàn Quốc (8.524 lượt), Nhật Bản (5.446 lượt), Trung Quốc (5.409 lượt), Đài Loan (1.055 lượt). Đông Nam Á có 2 thị trường: Malaysia (15.023 lượt), Singapore (1.349 lượt). Tại thị trường châu Âu có Pháp (5.111 lượt), Anh (4.762 lượt) và Đức (3.702 lượt) là các nước có nhiều khách ghé thăm Tiền Giang nhất. Thị trường Mỹ đạt 7.662 lượt trong 8 tháng đầu năm.
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ngành du lịch tỉnh Tiền Giang đã và đang có sự phục hồi đáng khích lệ, đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh trở lại của lượng khách quốc tế. Để đạt được kết quả trên, tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch như sông nước miệt vườn ở Cù lao Thới Sơn, Làng cổ Đông Hòa Hiệp, Vườn cây ăn trái cù lao Tân Phong, Khu du lịch Biển Tân Thành, Trại rắn Đồng Tâm; du lịch tâm linh tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, Niệm Phật Đường Liên Hoa; tham quan các làng nghề truyền thống, thưởng thức trái cây đặc sản, ẩm thực, đờn ca tài tử. Đồng thời, tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh con người và du lịch Tiền Giang; thực hiện liên kết, hợp tác phát triển vùng để cùng khai thác, bổ sung sản phẩm đặc trưng cho nhau giữa các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Khu du lịch Cái Bè và Thới Sơn thực hiện liên kết tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh khá hiệu quả.
Trong thời gian tới, để trở thành điểm đến được nhiều du khách lựa chọn ban đầu và quay trở lại sau đó, ngành du lịch tỉnh Tiền Giang cần có sự bứt phá, tạo thêm những sản phẩm du lịch thật sự đặc sắc; chú trọng phát triển các dịch vụ bổ trợ có chất lượng tốt nhất và khai thác hiệu quả mô hình kinh tế ban đêm gắn với đặc trưng về văn hóa nghệ thuật, ẩm thực để thu hút du khách./.
Tuyết Mai