Sáng 29/7, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.
Tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu chủ trì hội nghị.
Quang cảnh buổi làm việc tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Tiền Giang, tình hình kinh tế – xã hội từ đầu năm đến nay có những chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, tạo đà cho sự phát triển trong thời gian tới.
Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm trên 3%, các lĩnh vực kinh tế đều đạt tăng trưởng tốt. Tính đến cuối tháng 7-2023, toàn tỉnh có 480 DN thành lập mới (trong đó có 35 DN phát triển từ hộ kinh doanh).
Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh thực hiện 7 tháng đầu năm là 2.764 triệu USD, đạt 70,9% kế hoạch năm, tăng 12,5% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 30,3%).
Tổng vốn đầu tư công năm 2023 là 5.295 tỷ đồng, triển khai thực hiện 318 dự án, công trình (chuyển tiếp 202 dự án, khởi công mới 116 dự án).
Tổng giá trị giải ngân 7 tháng đầu năm là 2.925,2 tỷ đồng, đạt 55,3% kế hoạch, tăng 42,6% so cùng kỳ.
Tỉnh tiếp tục bổ sung vốn đầu tư cộng thêm 816 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022, nâng tổng vốn đầu tư công của toàn tỉnh lên 6.111 tỷ đồng.
Đầu tư công của tỉnh thuộc nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.
Về tình hình thu hút đầu tư, lũy kế 7 tháng đầu năm, tỉnh thu hút được 9 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.508 tỷ đồng, vốn đăng ký gấp 3,2 lần so với cùng kỳ.
Tại buổi làm việc, tỉnh Tiền Giang đã kiến nghị về đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hiếu Lễ phát biểu tại buổi làm việc.
Theo đó, hiện tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để thực hiện công tác thẩm định đề xuất Thủ tướng Chính phủ có quyết định chủ trương đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Tân Phước 1.
Tỉnh đã rà soát tình hình sử dụng đất của KCN Tân Phước 1 và đang lấy ý kiến của các bộ, ngành.
Tiền Giang kiến nghị các bộ, ngành hỗ trợ công tác rà soát, đánh giá lại hiện trạng sử dụng đất, cũng như những giải pháp xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai để tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ có quyết định chủ trương đầu tư nhằm sớm đưa dự án này vào triển khai thực hiện.
Thời gian qua, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn ra nghiêm trọng. Tỉnh đã triển khai 16 dự án phòng, chống sạt lở.
Trong năm 2023, Tiền Giang có tờ trình gửi Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xem xét bổ sung nguồn vốn thực hiện dự án xử lý sạt lở bờ sông Cái Bè, huyện Cái Bè.
Hiện nay, đoạn sạt lở có chiều dài 3.300 m, tỉnh Tiền Giang kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí khoảng 330 tỷ đồng để triển khai thực hiện dự án này.
Đối với các dự án phát triển điện trên địa bàn, Tiền Giang đã có văn bản gửi Bộ Công thương kiến nghị xem xét bổ sung cho tỉnh thêm 4 dự án điện gió với tổng cống suất 1.381 MW.
Tỉnh đề nghị Bộ Công thương đưa các dự án này vào quy hoạch phát triển điện, làm cơ sở để địa phương thực hiện các bước lựa chọn nhà đầu tư.
Liên quan đến việc phát triển nhà ở, tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn về việc nhà đầu tư nhận góp đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại khi trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời, chấp thuận nhà đầu tư có thuộc trường hợp quy định của Luật Nhà ở về hình thức sử dụng đất.
Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, cụ thể: Xem xét, đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật Nhà ở, trong đó bãi bỏ quy định “phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê”; về đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội, tỉnh đề xuất bổ sung đối tượng thu nhập thấp có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh là đủ kiện mua nhà ở xã hội”.
Tiền Giang cũng kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an ban hành quy định về an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng, chống cháy nổ khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Bộ Công thương sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14-1-2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nghị định 114/2009/NĐ-CP ngày 23-12-2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 02/2003/NĐ-CP.
Trước các kiến nghị của tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương, đại diện các bộ, ngành đã có những thông tin làm rõ về các cơ chế, chính sách hiện hành và hướng giải quyết.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, qua các kiến nghị của các địa phương, các bộ, ngành sẽ ghi nhận và sẽ có phản hồi chính thức bằng văn bản. Bộ Xây dựng sẽ tập hợp các kiến nghị và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo chung trong cả nước.
Về Luật Đầu tư, nổi lên kiến nghị chấp thuận chủ trương và điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ KH&ĐT cần rà soát lại thời điểm đó quy trình pháp luật như thế nào và hướng xử lý ra sao để báo cáo Thủ tướng.
Về công tác quy hoạch, cần phải xác định là công việc rất quan trọng, các địa phương cần quan tâm. 3 tỉnh khẩn trương rà soát lại quy hoạch chung, phân khu, chi tiết để điều chỉnh lại cho phù hợp, trong đó chú ý quy hoạch không gian ngầm.
Bộ Xây dựng sẽ có hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện. Về phát triển nhà ở xã hội, vừa qua đã có bước tiến, nhưng so với nhu cầu thực tế và mục tiêu thì không đạt.
Để triển khai phát triển xã hội còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi cả hệ thống chính trị chung tay. Các địa phương phải vào cuộc, các bộ, ngành cần tích cực tháo gỡ khó khăn.
Bộ sẽ tiếp thu kiến nghị của các địa phương và đưa vào quy định, luật về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Đối với các kiến nghị về đất đai, Bộ Xây dựng sẽ ghi nhận và phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường để có hướng dẫn, điều chỉnh quy định phù hợp hơn…
M. THÀNH