(ABO) Sự kiện cầu Tân Thạnh, qua sông cửa Trung nối liền xã Tân Thạnh (thuộc huyện Tân Phú Đông) với đất liền chính thức thông xe vào sáng 25-4 đã mang lại ý nghĩa rất quan trọng không chỉ về mặt kinh tế mà còn ở góc nhìn xã hội và nhiều yếu tố khác.
NIỀM VUI CỦA NGƯỜI DÂN
Xã Tân Thạnh có địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện Tân Phú Đông, cách trở đò giang, nên việc đi lại phải lụy đò, vì thế đời sống bà con ở đây còn nhiều khó khăn. Vì lẽ đó, việc đầu tư xây dựng cầu Tân Thạnh qua sông cửa Trung đáp ứng được niềm mong mỏi từ bấy lâu của người dân nơi đây.
Cầu Tân Thạnh chính thức thông xe vào sáng 25-4. |
Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang, cầu Tân Thạnh có chiều dài cầu chính khoảng 359 m, gồm 9 nhịp; chiều rộng cầu 9 m, tải trọng thiết kế HL93, kết cấu bê tông cốt thép và bê tông dự ứng lực, đường vào cầu dài 183 m kết cấu láng nhựa. Đường vào cầu có chiều dài khoảng 182 m, kết nối vào đường huyện 84D, với tổng mức đầu tư được phê duyệt khoảng 145 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng khoảng 113 tỷ đồng. Chiếc cầu này được thi công trong khoảng thời gian 12 tháng.
Việc xây dựng cầu Tân Thạnh mang lại rất nhiều ý nghĩa. Trưởng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang Trần Minh Trung cho biết, mục tiêu của dự án là nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đồng bộ, thông suốt, kết nối với đường tỉnh 877B; tạo điều kiện giao thông thuận lợi cho nhân dân, tăng cường năng lực vận chuyển hàng hóa và hành khách trong khu vực; bảo đảm an ninh, quốc phòng và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; đồng thời, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, góp phần xây dựng huyện Tân Phú Đông đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Niềm vui của người dân khi cầu Tân Thạnh đưa vào sử dụng. |
Cùng với việc triển khai Dự án Tuyến đường bộ ven biển kết nối các tỉnh ven biển phía Nam với TP. Hồ Chí Minh, cầu Tân Thạnh sau khi xây dựng xong sẽ góp phần nối liền toàn huyện Tân Phú Đông với các huyện của tỉnh Tiền Giang, xóa thế cô lập của huyện đảo. Đây là cơ hội để huyện Tân Phú Đông hoàn thiện hạ tầng giao thông, phát triển nhanh và bền vững, sẽ làm cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Trước đây ít ngày, tỉnh Tiền Giang cũng đã tổ chức Lễ thi công cầu Tân Phong nhằm xóa cảnh “đò giang cách trở” của vùng đất cù lao này. Cầu Tân Phong có tổng mức đầu tư khoảng hơn 239 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng hơn 137 tỷ đồng. Theo thiết kế, phần cầu chính có chiều dài cầu hơn 359 m, gồm 9 nhịp. Khổ cầu rộng 9 m, khổ thông thuyền tĩnh không đứng 7 m, tĩnh không ngang 30 m, tải trọng thiết kế HL93. Phần đường vào cầu có tổng chiều dài hơn 1.400 m; tải trọng thiết kế trục 10 tấn. Bề rộng mặt đường 7 m, bề rộng nền đường 9 m. Kết cấu mặt đường láng nhựa trên móng cấp phối đá dăm; bố trí hệ thống chiếu sáng trên cầu và đường vào cầu, hệ thống an toàn giao thông.
GIAO THÔNG THÔNG SUỐT
Sự kiện thông xe cầu Tân Thạnh và thi công cầu Tân Phong gần đây đã mang lại ý nghĩa to lớn không chỉ đối với người dân xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông hay cũng như người dân cù lao Tân Phong, mà còn tạo điều kiện kết nối kinh tế với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là một trong những thành tựu quan trọng trong việc tập trung đầu tư hạ tầng giao thông của tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua. Bởi đầu tư hạ tầng giao thông được xem là một trong những khâu đột phá quan trọng được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Thi công cầu Tân Thạnh. |
Đề cập về yếu tố này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cho biết, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định hạ tầng giao thông là một trong những khâu then chốt, đột phá, có ý nghĩa chiến lược trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ.
Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh Tiền Giang đã có chủ trương ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, tỉnh đã và đang tập trung đầu tư xây dựng nhiều dự án giao thông quan trọng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Cụ thể, tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Tiền Giang cho ngành Giao thông khoảng 9.615 tỷ đồng, chiếm 37,8% trên tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, việc đầu tư các cầu để kết nối, phục vụ nhu cầu giao thông của nhân dân, phát triển kinh tế – xã hội tại các cù lao trên địa bàn tỉnh tiếp tục được xác định là trọng tâm, trọng điểm.
Kiểm tra thi công cầu Tân Thạnh. |
Theo Phó Chủ tịch Trần Văn Dũng, trong năm 2022-2023, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư thêm 2 cầu lớn trên địa bàn huyện Cái Bè với tổng mức đầu tư khoảng 232 tỷ đồng (cầu Vàm Cái Thia và cầu Mỹ Đức Tây). Đồng thời, tỉnh Tiền Giang tiếp tục đầu tư 2 cầu lớn với tổng mức đầu tư hơn 384 tỷ đồng bắc qua cồn Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông) và cầu Tân Phong bắc qua cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy).
Chiếc cầu góp phần xóa dần khoảng cách với đất liền của xã cù lao. |
Riêng cù lao Thới Sơn được Trung ương đầu tư cầu Rạch Miễu nối liền tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre qua cù lao Thới Sơn. Như vậy, sau khi cầu Tân Phong, Tân Thạnh hoàn thành, trên địa bàn tỉnh chỉ còn lại cù lao Lợi Quan (huyện Tân Phú Đông) sẽ được đầu tư cầu kết hợp với dự án tuyến đường ven biển nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre và cồn Tân Long (thuộc TP. Mỹ Tho) sẽ được xem xét, đầu tư vào thời điểm thích hợp.
Thông qua nhiều nỗ lực, huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau, thời gian vừa qua tỉnh Tiền Giang đã tập trung nhiều công trình giao thông trọng điểm, mang lại ý nghĩa to lớn, góp phần phát rtiển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Điều này còn tạo nên tiền đề quan trọng để Tiền Giang kết nối với các tỉnh, thành khác trong vùng.
T.A – TRỌNG ĐẠT
.