(ABO) Đó là một trong những nội dung chính nằm trong Quyết định 1757 ngày 7-8 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc phê duyệt Đề án “Quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên cát tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 – 2025 và sau 2025”.
Theo đó, Đề án đã đề xuất các mỏ dự kiến xem xét cấp phép khai thác không đấu giá giai đoạn 2023-2025 và sau 2025, bao gồm: 18/20 khu vực mỏ đã cấp giấy phép khai thác trước đây, bao gồm: Mỏ An Nhơn, xã Tân Thanh, An Hữu, huyện Cái Bè; Mỏ Hòa Hưng-6, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè; Mỏ Hòa Hưng-5, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè; Mỏ Mỹ Lương, xã Mỹ Lương, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè; Mỏ Vàm Cái Thia, xã Mỹ Lương, Hòa Khánh, huyện Cái Bè; Mỏ Tân Phong 1, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy….
và 13/15 khu vực mỏ đã cấp phép thăm dò, đã phê duyệt trữ lượng, chưa cấp giấy phép khai thác, bao gồm: Mỏ Tân Thanh, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè; Mỏ Hòa Hưng-7, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè; Mỏ Ngũ Hiệp-2, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy; Mỏ Kim Sơn, xã Kim Sơn, Phú Phong, huyện Châu Thành; Mỏ Song Thuận, xã Song Thuận, huyện Châu Thành; Mỏ Bình Đức, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho; Mỏ Tân Thạnh-4, xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông…
Tiền Giang dự kiến cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông giai đoạn 2022 – 2025 và sau 2025. Ảnh: TL. |
Về đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ cát sông căn cứ theo khoản 1 điều 78 Luật Khoáng sản 2010 quy định “Đấu giá quyền khai thác khoáng sản thực hiện ở các khu vực hoạt động khoáng sản, trừ khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản”, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực mỏ được khoanh định là khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gồm: Thân cát VII, chiều dài 10.000 m, rộng 302 m, từ xã Xuân Đông đến hết xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang; thân cát VIII, sông Cửa Tiểu, chiều dài 35,6 km rộng 150 m từ xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo đến xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và các khu vực mỏ còn lại trên địa bàn tỉnh chưa cấp phép khai thác.
Trước đó, các sở, ngành cũng đã tính toán, dự báo nhu cầu sử dụng cát san lấp các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023-2030. Theo đó, theo Công văn 366/SXD-QLHĐXD ngày 24-2-2023 và Công văn 807/SXD-QLHĐXD ngày 10-4-2023 của Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang, dự báo nhu cầu sử dụng cát san lấp các công trình đầu tư công trọng điểm, các khu cụm công nghiệp và các công trình, dự án, nhu cầu của nhân dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023-2030 với tổng khối lượng khoảng 27.049.667m3; dự kiến nhu cầu sử dụng cát san lấp trung bình mỗi năm trên toàn tỉnh Tiền Giang là 3.381.208 m3/năm.
Đề án “Quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên cát tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 – 2025 và sau 2025” cũng đã quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ để xem xét cấp phép khai thác lại đối với các mỏ đã tạm ngưng trước đây…
TA
.