Ngày 14/11/2023, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 479/KH-UBND triển khai thực hiện Kết luận số 481-KL/TU ngày 07/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 05/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch được ban hành nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận số 481-KL/TU cho phù hợp với tình hình chung và điều kiện thực tế của tỉnh để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về du lịch của tỉnh; góp phần tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch của tỉnh, nâng cao sức cạnh tranh, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; tiếp tục khẳng định ngành du lịch có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tour du lịch tham quan sông nước Tiền Giang luôn thu hút đông du khách
Với mục tiêu tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch của tỉnh về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững; phấn đấu đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế thực sự quan trọng của tỉnh, có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và có sức cạnh tranh mạnh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện môi trường, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Theo đó, Tiền Giang phấn đấu đến năm 2025, đón khoảng 2,1 triệu lượt khách, tăng bình quân 33,4%; trong đó, có trên 700 ngàn lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt 6,7 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 8,9%. Có ít nhất 350 cơ sở lưu trú, với 8,5 ngàn phòng. Có ít nhất 34,8 ngàn lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có khoảng 7 ngàn lao động trực tiếp.
Đến năm 2030, đón trên 3,1 triệu lượt khách, tăng bình quân 8,1%; trong đó, có khoảng 1,3 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 14,2%. Có khoảng 470 cơ sở lưu trú, với 12,5 ngàn phòng. Có ít nhất 41,8 ngàn lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có khoảng 9,7 ngàn lao động trực tiếp.
Khách quốc tế tham quan tại Cảng Du thuyền Mỹ Tho
Kế hoạch đưa ra 06 nhiệm vụ trọng tâm gồm: (1) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; (2) Hoàn thiện cơ chế chính sách; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch; (3) Triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án; (4) Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; (5) Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; (6) Quảng bá, xúc tiến du lịch.
Tại Kế hoạch, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố được giao các nhiệm vụ cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được phân công là đầu mối phối hợp, hỗ trợ các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện của các đơn vị, tổng hợp tình hình triển khai, định kỳ báo cáo UBND tỉnh hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu; Rà soát, đôn đốc các dự án đã được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư để hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc triển khai các dự án đầu tư; Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh; tổ chức đa dạng các loại hình văn hóa, thể thao và du lịch, các lễ hội để thu hút khách du lịch; xây dựng và triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch Tiền Giang; Tổ chức thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; có kế hoạch tôn tạo, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa phục vụ phát triển du lịch; tham mưu thực hiện chuyển đổi số ngành du lịch; Tham mưu triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Hợp phần du lịch thuộc Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt; Tiếp tục tham mưu thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương đã ký kết./.
Tuyết Mai