Trong bối cảnh giá lương thực trên thế giới biến động, một lần nữa cho thấy sản xuất nông nghiệp tiếp tục là “bà đỡ” quan trọng của nền kinh tế. ĐBSCL lâu nay được xem là vựa lúa, vựa thủy sản và vựa trái cây của cả nước đang cần những cơ chế, chính sách đột phá trong thu hút đầu tư để làm đòn bẩy phát triển căn cơ sản xuất nông nghiệp.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: NGỌC PHÚC |
Nhiều cơ hội cho sản xuất nông nghiệp
Mới đây, Bộ NN-PTNT đã đưa các máy cuộn rơm và trộn rơm để làm phân hữu cơ trình diễn tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Có thể nói, dù được xem là cường quốc xuất khẩu gạo, nhưng ngay chính ở mặt hàng lúa gạo Việt Nam vẫn còn lãng phí nhiều nguồn nguyên liệu như rơm rạ.
Theo Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), trong khoảng 47 triệu tấn rơm rạ mỗi năm, mới chỉ có hơn 20% được thu gom và sử dụng với mục đích làm nấm rơm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót vận chuyển trái cây…; phần lớn còn lại chủ yếu là đốt trên đồng hoặc vùi vào ruộng (hiện mỗi năm Việt Nam đốt trên 20 triệu tấn rơm rạ). Chỉ ra con số thống kê về hiện trạng sử dụng nguồn rơm rạ để thấy: Nhu cầu đầu tư nguồn lực vào lĩnh vực nông nghiệp là rất lớn.
Hiện Bộ NN-PTNT đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để đồng bộ hóa các khâu cơ giới hóa trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Mà “đòn bẩy” then chốt là cần sự vào cuộc của doanh nghiệp tư nhân, các hợp tác xã nông nghiệp trong đầu tư vào máy móc cơ giới hóa để làm dịch vụ tại vựa lúa miền Tây.
Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thời gian qua tỉnh được tham gia và thụ hưởng từ nhiều chương trình, dự án về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa, như: GIZ, FARES hỗ trợ xây dựng năng lực về chọn tạo giống và bảo tồn sinh thái trên đồng ruộng cho nông dân.
Đặc biệt, dự án phát triển nông nghiệp bền vững (VnSAT) thực hiện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2022 đạt được nhiều kết quả, diện tích áp dụng các biện pháp tiên tiến trên 35.000ha lúa. Qua đó đã giảm phát thải khí nhà kính là 176.228 tấn CO2, đạt 155,5% so với mục tiêu ban đầu dự án. Phải nói đây là một điều rất phấn khởi, góp phần thay đổi tư duy và nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chính phủ đã thông qua Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28-2-2022). Quy hoạch vùng ĐBSCL lần này thể hiện “tư duy mới, tầm nhìn mới, giá trị mới, cơ hội mới” cho tương lai phát triển vùng ĐBSCL, nhất là trong bối cảnh thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, trong quy hoạch tích hợp đã nhấn mạnh đến chuyện hình thành các trung tâm đầu mối nông nghiệp (thủy sản, trái cây, lúa và logistics) đặt ở các địa phương như Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang…
Những trung tâm đầu mối có chức năng nghiên cứu, chế biến, bảo quản, tạo kênh đầu ra nông sản… Vấn đề còn lại là các địa phương sớm vận dụng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại miền Tây.
Liên thông chuỗi ngành hàng với TPHCM
“Long An luôn xác định nông nghiệp là “bệ đỡ” của nền kinh tế tỉnh. Theo đó, Long An đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cho chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ đó, có nhiều sản phẩm chủ lực như: chuối, chanh, thanh long, lúa gạo,… xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Australia, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc…”, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết.
ĐBSCL khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: NGỌC PHÚC |
Còn theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, ĐBSCL đã được Chính phủ quy hoạch là vùng trọng điểm nông nghiệp với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây… Theo đó, doanh nghiệp của TPHCM đã tìm kiếm được cơ hội và lợi ích khi đầu tư tại vùng ĐBSCL, đặc biệt trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp.
Tuy nhiên, để ĐBSCL phát huy tiềm năng, lợi thế này một cách tối ưu thì việc hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các tỉnh, thành trong khu vực cần phải có cơ chế thu hút các nhà đầu tư sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản, các chợ đầu mối nông sản tại TPHCM về hợp tác tiêu thụ gắn với vùng chuyên canh; tăng cường kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường gắn với phát triển hệ thống trung tâm logistics nông nghiệp cấp vùng.
Đồng thời, kết nối giữa trung tâm logistics nông nghiệp cấp vùng đặt tại TPHCM với hệ thống các trung tâm logistics tại các vùng sản xuất, các trung tâm logistics nông nghiệp cấp vùng tại các tỉnh ĐBSCL và các trung tâm logistics nông nghiệp xuất khẩu; cơ chế đa dạng hóa các hình thức liên kết.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, hạ tầng tại vùng ĐBSCL đang được Chính phủ đầu tư mạnh và nhiều chưa từng có như: cảng biển, hàng không, thủy lợi… Đây là điều kiện thuận lợi cho các địa phương quy hoạch quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư vào nông nghiệp.
“Bến Tre rất sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, công nghệ cao. ĐBSCL có liên kết vùng nên rất mong muốn phát triển chuỗi ngành hàng, chuỗi cung ứng, chuyên môn hóa từng tỉnh chứ không đầu tư dàn trải. Chúng tôi mong muốn trong Luật Đất đai (sửa đổi) sắp tới, làm sao có cơ chế khuyến khích để nông dân tham gia vào mối liên kết với doanh nghiệp về đất đai”, ông Nguyễn Trúc Sơn nói.
Theo Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. So với dư địa thực tế thì việc doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa xứng tầm để tạo nên cuộc bứt phá cho phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chính quyền địa phương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng mở, có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Theo sggp.org.vn
.