Sáng ngày 15/8/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững. Chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt; Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh và Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu.
Tham dự tại điểm cầu Tiền Giang có Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Giao thông Vận tải; Công Thương; Lao động – Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Hiệp hội Du lịch và các cơ quan báo chí: Báo Ấp Bắc; Đài Phát thanh và Truyền hình cùng đại diện của 15 doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: “Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững là một bước quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, kế hoạch hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ do Chính phủ giao, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Hướng tới phát triển du lịch với phương châm “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện, đơn giản – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch, đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới”.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt chỉ rõ: trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 6,6 triệu lượt, khách nội địa đạt 76,5 triệu lượt, tổng thu du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, trong tháng 7 vừa qua, cả nước ghi nhận lượng khách quốc tế đến Việt Nam cao nhất tính từ khi mở cửa vào ngày 15/3/2022 đến nay, với hơn 1 triệu lượt khách. Đây là những minh chứng cho sự phát triển của du lịch Việt Nam, củng cố niềm tin về phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Tại Hội nghị, đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã báo cáo một số nội dung về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ, Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 và một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu tại các điểm cầu Trung ương và địa phương đã tập trung thảo luận về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP, Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 và mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm… Trong đó, việc phát triển sản phẩm du lịch đêm là nội dung được nhiều địa phương quan tâm. Các ý kiến thảo luận đều khẳng định, phát triển du lịch đêm không chỉ góp phần tăng chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú của du khách mà còn đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây là sản phẩm du lịch đặc thù, còn nhiều khó khăn, vướng mắc để triển khai có hiệu quả, đảm bảo du lịch đêm đa dạng, phản ánh bản sắc văn hóa ở mỗi điểm đến, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao.
Các đại biểu tại Tiền Giang nghe phổ biến nội dung Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ
Phát biểu kết luận Hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh tiếp thu những ý kiến đóng góp, thảo luận tại Hội nghị; đồng thời, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và thách thức đặt ra cho du lịch Việt Nam trong tình hình mới; cũng đề nghị các địa phương cần tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả một số nội dung sau:
– Tiếp tục đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; bảo đảm phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, có kế hoạch và định hướng lâu dài trên cơ sở nghiên cứu và hội nhập sâu rộng sự phát triển của ngành du lịch các nước phát triển trên thế giới.
– Phát triển du lịch một cách toàn diện, sâu rộng nhằm phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thức đẩy quá trình nâng cao sức khỏe tổng hợp, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, xác lập và định vị thương hiệu du lịch Việt Nam.
– Tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo ra đột phá trong phát triển du lịch; khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ.
– Phối hợp chặt chẽ với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam triển khai có hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và một số Đề án như: Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; Xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia; Nghiên cứu, thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài;… sau khi được phê duyệt.
Qua việc tham dự Hội nghị, đã giúp nâng cao nhận thức, của các sở, ngành, đơn vị liên quan và các doanh nghiệp du lịch về vai trò phát triển du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường; góp phần từng bước hoàn thành nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đề ra trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch số 372/KH-UBND ngày 31/7/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang thực hiện Nghị quyết./.
Tuyết Mai