Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, bằng điểm thi đánh giá năng lực tích hợp kết quả xét học bạ, Nguyễn Thị Hồng Nhung (19 tuổi) đậu ngành logistics của Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).
9 tuổi đã phải dỗ mẹ bệnh
Chúng tôi gặp Nhung vào một chiều mưa tầm tã, khi cô đang chuẩn bị để hôm sau chạy xe máy từ nhà ở xã Tân An Hội (huyện Củ Chi, TP.HCM) đến ký túc xá làng đại học ở TP Thủ Đức, bắt đầu cuộc sống tân sinh viên.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi đôi lần phải ngừng lại bởi những tiếng nói chuyện lớn, không đầu không cuối, phát ra phía sau nhà của mẹ Nhung.
Nhung lớn lên trong gia đình là hộ nghèo của xã, trước cô còn có một anh trai đang là sinh viên năm ba của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Cách đây hai năm, người anh từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường của Tuổi Trẻ làm hành trang vào đại học, và giờ giới thiệu lại cho em gái.
Gần 10 năm nay, anh em Nhung được nuôi nấng, tới trường nhờ vào đồng lương công nhân của người cha, vì chừng đó thời gian người mẹ mắc bệnh tâm thần phân liệt, chỉ ở nhà. Đó cũng là cú sốc của cô bé Hồng Nhung, khi đó mới 9 tuổi, đến nhiều năm về sau…
Nhung tâm sự cha cô là công nhân lâu năm của một xưởng nệm trong Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Cứ vài ba tháng ông phải nghỉ làm, cả nhà gọi xe của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đến mới chở được mẹ Nhung đi khám, nhập viện mấy ngày. Tiền xe, viện phí, thuốc thang là con số không nhỏ với gia đình ông.
Trong căn nhà cấp bốn đầy dấu vết của thời gian, góc học tập, để sách vở của Nhung chỉ ở một góc nhỏ. Cô kể nhiều lúc đang làm toán, cần tập trung hết sức thì phải ngắt quãng bởi mẹ phát bệnh.
“Những lúc như vậy, em phải tới an ủi bằng cách hát hò, làm trò này trò kia cho mẹ vui, giống như dỗ dành, đợi mẹ bình tĩnh lại rồi mới học bài tiếp được”, cô nói. Nhung kể đôi lúc cũng mệt, tủi thân tới phát khóc, nhưng rồi thấy cảm thông và thương mẹ hơn. “Hồi còn khỏe, mẹ thương hai anh em nhiều lắm”.
Mẹ phát bệnh, quá trình lớn lên của Nhung phải tự mày mò, tìm hiểu. Cô gái không có cơ hội tâm sự hay nhờ mẹ tư vấn điều gì. Tuy vậy, cô vẫn còn sự an ủi, động viên từ cha và anh trai.
Từng thấy là áp lực, giờ là động lực
Ngày hay tin Nhung đậu đại học sau bao nỗ lực không ngơi nghỉ, khi cả nhà vui mừng, hạnh phúc thì người mẹ chỉ im lặng, không biểu hiện gì, kể cả lúc con gái chào để đi học xa.
Nhung chưa bao giờ thôi ham học. Nhìn cha lam lũ nuôi bốn miệng ăn, mẹ thường phát bệnh, phải chở đi viện, cô càng quyết tâm học hành để mai sau có công việc ổn định, lo cho cha và có tiền điều trị lâu dài cho mẹ.
Hai năm nay, anh trai Nhung đi làm thêm, bản thân cô khi thi đại học xong, suốt hai tháng hè cũng đi hai chiều 4 tiếng/ngày từ nhà đến quận 1 bán hàng cho người thân, bằng chiếc xe máy cũ của người quen tặng. “Ở đây chủ yếu bán cho khách du lịch nước ngoài. Ngoài giao tiếp tiếng Anh, nhờ bán hàng, tôi có học thêm được một chút tiếng Hàn”, cô cho biết.
Có chút tiền để dành, song học phí và tiền trọ chủ yếu vẫn do ông Châu lo cho hai con. Nghe tin con gái đậu đại học, ông Châu mừng lắm. Nhưng ông chưa biết xoay ra sao với mức học phí 15 triệu/năm học của con. Đó cũng là nỗi lo của Nhung.
Cô tâm sự: “Gánh nặng ăn học và căn bệnh của mẹ đã khiến lưng cha ngày càng còng. Nếu nhận được học bổng này, mình sẽ qua được khoảng thời gian khó khăn đầu năm học và có thời gian làm thêm để tự trang trải học phí cho học kỳ sau. Trong thời gian học, mình cũng sẽ cố giành học bổng từ trường”.
Ông Châu cho hay trước mắt chỉ có khả năng cho con gái số tiền ít ỏi đóng vào ký túc xá và sinh hoạt phí. Nhung đợi ít hôm khi việc học vào guồng ổn định và quen đường sá sẽ kiếm việc làm thêm, đỡ đần cho gia đình. Bên cạnh đó, cô cũng sẽ tham khảo chương trình cho sinh viên lãi suất nhẹ từ nơi mình theo học.
Với Nhung, cô bảo mình chọn học logistics vì có hứng thú với toán và vật lý, dù hiện tại chưa hình dung rõ công việc tương lai.
“Logistics là chuỗi cung ứng, vận chuyển nên sẽ có nhiều lĩnh vực để làm. Mình dự tính làm về thuật toán sao cho việc vận chuyển hàng hóa tiết kiệm thời gian, ít tốn kinh phí nhất”, Nhung nói.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội Tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/nu-sinh-cu-chi-vua-hoc-bai-vua-do-me-benh-tam-than-da-dau-dh-bach-khoa-tp-hcm-20241013200404803.htm