Theo ông Cao Bá Đăng Khoa – Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, chúng ta không chủ quan khi mở cửa ồ ạt 4 – 5 thị trường cho ngành dừa. Nếu như xuất khẩu ồ ạt sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp “gạo cội”, khan hiếm nguyên liệu để sản xuất. Nếu không cẩn thận, chúng ta lại phải đi nhập nguyên liệu của các nước khác và điều này đã từng xảy ra.
Thị trường đang rất thuận lợi cho trái dừa Việt Nam. (Ảnh: Cẩm Tú) |
Thị trường đang thuận lợi cho quả dừa và các sản phẩm từ dừa của Việt Nam
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Cao Bá Đăng Khoa – Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, hiện nay, thị trường đang rất rộng mở với quả dừa và các sản phẩm từ dừa của Việt Nam.
Trong đó, đối với thị trường Trung Quốc, hiện nay, chúng ta đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để tiếp tục mở cửa thị trường này. Nếu thành công, đây sẽ là thị trường rất lớn, đầy tiềm năng cho xuất khẩu dừa và sản phẩm dừa của Việt Nam. “Những năm vừa qua, chúng ta cung cấp nguyên liệu thô và sơ chế mới chỉ đáp ứng được 3,5% trên tổng nhu cầu sử dụng của Trung Quốc, còn lại là các nước khác cung cấp như: Thái Lan và Indonesia. Nếu mở cửa được, thị trường này sẽ ồ ạt thu mua, giá dừa sẽ tăng đột biến” – ông Khoa nhận định.
Đối với thị trường Mỹ; vừa qua, ngày 8/8, Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã gửi thư tới Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thông tin về việc Hoa Kỳ mở cửa thị trường đối với quả dừa tươi Việt Nam. Đây tiếp tục là một tin vui đối với thị trường xuất khẩu dừa của Việt Nam.
Theo đánh giá của ông Khoa, Mỹ là một thị trường tiềm năng, đồng thời cũng là “sân chơi” của các nhà cung cấp sản phẩm cao cấp. Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, thị trường Mỹ cũng đòi hỏi phải đạt tiêu chuẩn organic và đạt tiêu chuẩn USDA bền vững và tiêu chuẩn riêng của thị trường này để phục vụ cho những người dân có đời sống cao cấp. “Nếu đáp ứng được yêu cầu của thị trường này, sẽ mang lại giá trị cao cho ngành dừa nước ta. Đây cũng là thị trường cho giá trị cao hơn so với những thị trường dễ tính có số lượng xuất khẩu nhiều hơn nhưng giá trị thấp hơn”. Ông Khoa ước tính, với việc mở cửa xuất khẩu dừa của Việt Nam sang Mỹ, trong thời gian tới, đây là thị trường sẽ có đóng góp ít nhất từ 5 – 7% tổng giá trị xuất khẩu dừa và sản phẩm dừa của Việt Nam.
Bên cạnh đó, dừa của Việt Nam cũng đã mở cửa được đối với các thị trường Israel và Bangladesh. Tuy nhiên, theo ông Khoa, những tiêu chuẩn để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng từ các thị trường này cũng rất cao.
Một số cảnh báo nếu tăng trưởng quá “nóng”
Theo Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, việc đang rất thuận lợi về thị trường hiện nay của quả dừa cũng đi kèm những mối quan ngại. Ông Khoa chỉ ra rằng, ở quý I và đầu quý II/2023, tất cả các ngành, không chỉ riêng ngành dừa, sụt giảm rất nhiều. Tháng 6/2023, số liệu tại các doanh nghiệp chủ đạo xuất khẩu dừa cho thấy, các doanh nghiệp sụt giảm rất nhiều. Nhưng chỉ 3 tuần lễ nay, giá dừa đã tăng đột biến. Nếu như tháng 3, dừa chỉ 35.000 – 40.000/10 quả thì hiện đã tăng lên 80.000/10 quả, thậm chí không có dừa để mua.
Bên cạnh đó, khoảng 1 – 2 tháng nay, các doanh nghiệp mới về dừa cũng đang tăng đột biến. Đây là tín hiệu vui nhưng cũng là nỗi lo cho các doanh nghiệp gạo cội trong nước. “Đột biến quá thì các đơn hàng xuất khẩu bền vững của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Khi nhu cầu nguyên liệu tăng đột biến thì đơn hàng đã ký từ đầu năm hoặc cuối năm ngoái, các doanh nghiệp sẽ không lường trước được” – ông Khoa cho hay.
Ông Khoa cũng cho biết, đối với doanh nghiệp ngành dừa, lâu nay, nguyên liệu dừa lên, xuống cũng chỉ từ 25 – 30%, trong khi đó hiện nay, đã tăng lên đến 200%.
Ông Khoa phân tích, chúng ta không chủ quan khi mở cửa ồ ạt 4 – 5 thị trường cho ngành dừa, trong đó có 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc. Nếu như xuất khẩu ồ ạt sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp “gạo cội” trong nước, sẽ khan hiếm nguyên liệu để sản xuất, và nếu không cẩn thận, chúng ta lại phải đi nhập nguyên liệu của các nước khác và điều này đã từng xảy ra.
Thứ nữa, với nhu cầu quá lớn sẽ hình thành tập quán thu mua ồ ạt, không kiểm soát được chất lượng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cây dừa.
Đáng chú ý, theo ông Khoa, hiện nay, một số nước sẽ cấp mã số vùng trồng cho từng vùng nguyên liệu, vùng trồng riêng để dán tem lên quả dừa, nhưng hiện nay, có những vùng doanh nghiệp đã “chi tiền tỷ” để làm hữu cơ, organic, vì vậy, nếu không cẩn thận, việc cấp mã số vùng trồng lên vùng organic của doanh nghiệp. Điều này sẽ dẫn đến việc một quả dừa có 2 tem, như vậy, 1 quả dừa ai sẽ là người sở hữu?.
Bên cạnh đó, dừa không phải là cây tập trung mà là cây liên kết. Sắp tới, nếu tăng trưởng quá ồ ạt, trong khi cây dừa đang trong quá trình xét để trở thành cây chủ lực quốc gia, nhưng thực tế cây dừa phải sống chung với cuộc sống của người dân. Dừa ở sống ở đầu bờ, chỗ nào có đất trống là trồng dừa nhưng nếu đốn cây lương thực, cây ăn quả để trồng dừa là điều không nên làm. Chính vì vậy, ông Khoa cũng lo ngại, nêu tăng trưởng quá ồ ạt sẽ dẫn đến phát triển “nóng” cây dừa, dẫn đến phá vỡ môi trường canh tác đầu tư của các loài cây khác. “Để trồng dừa chuyên canh 100ha thì chúng tôi không khuyến khích” – ông Khoa nêu quan điểm.
Thực tế hiện nay, chúng ta có nhiều nhóm ngành từ dừa để xuất khẩu. Đó là nhóm ngành về thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, y dược… với nhiều sản phẩm đa dạng như: quả dừa tươi xuất khẩu, giá thể từ dừa, cơm dừa, tinh dầu dừa, các loại mặt nạ sữa dừa phục vụ cho ngành mỹ phẩm… Trong đó, cơm dừa nạo sấy, sản phẩm từ dầu dừa, nước dừa đóng lon, đóng hộp trong những năm vừa qua là những sản phẩm mang lại giá trị xuất khẩu lớn cho ngành dừa. Dừa và sản phẩm dừa của Việt Nam hiện nay xuất khẩu đến hơn 60 nước trên thế giới.
Về doanh nghiệp ngành dừa, hiện nay có khoảng 40 doanh nghiệp “gạo cội” có sản xuất, sơ chế, gia công có thương hiệu; gần 90 doanh nghiệp thương mại xuất khẩu dừa.
Về giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa năm 2022, theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, nếu thống kê đầy đủ các sản phẩm xuất khẩu dừa tươi, các sản phẩm xuất khẩu dừa từ các ngành hàng thủ công mỹ nghệ, phân bón, ngành bánh kẹo…, kim ngạch xuất khẩu dừa vào khoảng 900 triệu USD.
Năm 2023, do ảnh hưởng của tình hình chung, giá trị xuất khẩu dừa cũng bị sụt giảm. Tuy nhiên, trong dài hạn, tiềm năng xuất khẩu của ngành dừa sang các thị trường còn rất lớn, dự kiến xuất khẩu dừa và sản phẩm từ dừa sẽ sớm đạt mức kim ngạch 1 tỷ USD.
(Theo dangcongsan.vn)
.