Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tuần qua giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam giữ ổn định ở mức cao 638 USD/tấn, trong khi của Thái Lan là 628 USD/tấn, Pakistan 598 USD/tấn. Ấn Độ vẫn đang duy trì chính sách cấm xuất khẩu gạo tẻ thường khiến thị trường được dự báo sẽ còn gia tăng nguồn cầu thời gian tới.
Đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực sông Hậu. |
Tại thị trường trong nước, giá lúa hàng hóa vẫn neo ở mức cao. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa IR50404 ở mức 7.750- 7.900 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 đạt 7.800- 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 đạt 7.800- 8.200 đồng/kg. Giá gạo cũng đang ở mức cao, gạo Nàng Nhen 23.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 16.000- 18.500 đồng/kg; gạo Nhật 22.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 15.500 đồng/kg…
Trước tình hình giá lúa gạo vẫn ở mức cao và có xu hướng tiếp tục tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu đang theo dõi sát diễn biến thị trường để quyết định các vấn đề thu mua, ký hợp đồng mới.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II, tỉnh Long An Nguyễn Tuấn Khoa cho biết: Khi giá lúa tiếp tục tăng cao, nếu đẩy mạnh mua vào ở giai đoạn này, doanh nghiệp có nguy cơ lỗ cao. Công ty cũng đang đàm phán có thể kéo giãn hợp đồng đã ký với các đối tác nhập khẩu để chờ nguồn cung dồi dào. Hơn nữa, chính sách cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng chưa biết sẽ tiếp diễn đến khi nào, trong trường hợp Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm thì khả năng cao thị trường sẽ biến động lớn theo hướng giá lúa gạo sụt giảm mạnh ngay lập tức. Do đó, doanh nghiệp đang phải cân nhắc rất nhiều trong thời điểm này.
Hiện, Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại các nước Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Campuchia… tăng cường chủ động cập nhật tình hình mùa vụ sản xuất, giá gạo tiêu thụ tại thị trường sở tại, tình hình xuất khẩu và các động thái chính sách liên quan đến xuất khẩu gạo để thông tin thường xuyên hoặc đột xuất về Cục Xuất nhập khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt thông tin nhanh chóng, kịp thời.
Một vấn đề quan trọng hiện nay đối với doanh nghiệp là nguồn tín dụng. Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công thương, nếu doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng thì sẽ có nguồn vốn ứng trước cho nông dân, người nông dân sẽ yên tâm sản xuất, doanh nghiệp có hàng xuất khẩu và giá ổn định.
Bên cạnh các chính sách về tín dụng, Việt Nam cần thêm các gói hỗ trợ tài chính hiệu quả từ ngân sách cho nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa, gạo nói riêng. Các gói hỗ trợ này được thực hiện theo đúng theo nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cho phép trợ cấp nông nghiệp (trừ trợ cấp xuất khẩu) đến 10% GDP của ngành. Chẳng hạn như Thái Lan có các gói cho vay ưu đãi dành cho nông trại quy mô nhỏ, các doanh nghiệp cộng đồng và hợp tác xã nông nghiệp…
Về hoạt động sản xuất, hiện các địa phương trên cả nước vẫn đang duy trì sản xuất lúa để bảo đảm nguồn cung trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu gạo; trong đó chú trọng đến vấn đề bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Không chỉ riêng Việt Nam mà hiện nay, nhiều nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Thái Lan đã sẵn sàng đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu. Nước này đã thiết lập các hệ thống thông qua Hội đồng Lương thực quốc gia- cơ quan chịu trách nhiệm chỉ đạo chính sách lương thực của quốc gia. Thái Lan cũng đã tạo điều kiện sản xuất cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đang thực hiện các bước để cải thiện an ninh lương thực bằng cách tạo ra một cơ sở dữ liệu toàn diện. Đồng thời xây dựng lịch mùa vụ cụ thể cho từng tỉnh. Lịch này sẽ giúp ước tính số lượng và loại nông sản có sẵn mỗi tháng, hỗ trợ quản lý an ninh lương thực trong thời kỳ bình thường cũng như trong giai đoạn khủng hoảng.
Theo nhandan.vn
.