(ABO) Nông dân các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa hè thu, với vụ mùa bội thu. Giá lúa tăng cao, trong khi đó giá vật tư nông nghiệp giảm giúp nhiều nông dân có lợi nhuận khá. Đây cũng là một trong những vụ lúa có giá bán cao nhất trong nhiều năm qua.
NIỀM VUI CỦA NHÀ NÔNG
Ghi nhận thực tế tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, vào thời điểm này, nhiều nông dân xuống giống sớm vụ lúa hè thu tại các xã như: Long Bình, Bình Tân, Yên Luông… đã bước vào giai đoạn thu hoạch rộ. Không khí chộn rộn cho vụ thu hoạch lúa mùa này hiện rõ trên gương mặt của người nông dân. Đây cũng là vụ mùa hiếm hoi của những người trồng lúa có chung niềm vui. Trên các cánh đồng, máy gặt đập liên hợp cứ chạy “xì xịch” hết mảnh ruộng này sang đồng khác.
Thu hoạch lúa tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. |
Khi chúng tôi đến cũng là thời điểm gia đình ông Nguyễn Văn Chính (ấp Phú Quới, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây) vừa thu hoạch xong 6 công lúa Đài Thơm 8. “Ước tính, 6 công lúa thu hoạch được hơn 3 tấn, bán với giá 8.000 đồng/kg. Vụ này, lúa có giá hơn những vụ trước nên lợi nhuận cao hơn. Trong nhiều năm trở lại đây, năm nay là lúa có giá cao nhất” – ông Chính chia sẻ.
Cùng chung niềm vui này, ông Nguyễn Trường Trọng Nghĩa, ấp Thạnh Lợi, xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây cho biết, mỗi ha lúa vụ này có thể thu lãi hơn 10 triệu đồng. “Chỉ có năm nay giá lúa tại ruộng được chạm mốc 8.000 đồng/kg chứ những năm trước cao nhất cũng chỉ 7.200 đồng/kg. Với 1,2 ha lúa Nàng Hoa 9 chuẩn bị thu hoạch, thương lái đã cho giá 8.000 đồng/kg, cao hơn 800 đồngkg so với mấy ngày trước. Đây là thời điểm có mức giá cao nhất, trước đây lúa có 2 lần giá cao nhưng chỉ ở mức 7.200 đồng/kg”- ông Nghĩa cho biết.
Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Văn Minh (ấp Hòa Thạnh, xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây) cũng đang xem máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa. Vụ hè thu năm nay, hơn 1 ha đất của gia đình gieo sạ giống lúa Nàng Hoa 9. Theo ông Minh, khi lúa vừa trổ bông, thương lái đã đến đặt cọc với giá 8.000 đồng/kg. Giá lúa vụ hè thu năm nay cao hơn năm trước khoảng 2.000 đồng/kg, cho năng suất tương đương so với vụ hè thu năm 2022 (khoảng 7 tấn/ha).
Với giá lúa cao như hiện tại, cộng thêm việc đầu vụ giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật “hạ nhiệt” nên lợi nhuận khá hơn những vụ trước. “Những ngày qua, thương lái lùng sục đến mua lúa của nông dân rất nhiều. Thương lái ở tỉnh Long An đến mua lúa của nông dân cao hơn thương lái tại địa phương, nhưng chúng tôi không dám bán. Do chúng tôi sợ những vụ khác khi lúa không hút hàng, thương lái “mối” sẽ bỏ không mua lúa nữa. Hiện một số thương lái tại địa phương sau khi mua lúa của nông dân, liền sang tay cho thương lái tại Long An để hưởng chênh lệch giá”- ông Minh thông tin thêm.
Còn tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, cùng thời điểm này, nông dân trên địa bàn cũng đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ vụ lúa hè thu. Vụ lúa hè thu năm nay, toàn huyện xuống giống với diện tích 8.913 ha, chủ yếu là các giống lúa cao sản. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện đã thu hoạch được khoảng hơn 1.400 ha. Năng suất trung bình khoảng 6 tấn/ha, tương đương với vụ hè thu năm 2022. Vụ này giá lúa cao nên lợi nhuận của bà con nông dân cao hơn những vụ trước.
DIỄN BIẾN KHÓ LƯỜNG
Thị trường kinh doanh lúa gạo gần đây có nhiều biến động, đặc biệt là giá tăng cao sau thông tin có một số điều chỉnh ở thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thông tin cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và một số nước, đã đẩy giá lúa gạo tăng cao trong thời gian ngắn. Từ đó, thị trường lúa gạo cũng ít nhiều biến động.
Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa hè thu ở mức cao, lúa đa phần đã được cọc trước, chờ ngày cắt. Trên thị trường xuất khẩu gạo, theo VFA, chốt phiên giao dịch ngày 24-8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giữ vững vị trí cao nhất thế giới. Theo đó, giá gạo 5% tấm ở mức 638 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 623 USD/tấn.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, giá xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đắt nhất trong số các nhà xuất khẩu tại châu Á. Trong khi đó nguồn cung trong nước vẫn khan hiếm và điều này càng khiến các nhà xuất khẩu không thể ký hợp đồng mới. Đối với Thái Lan, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của nước này đã tăng lên 630 USD/tấn từ mức 615 – 620 USD/tấn vào tuần trước. Mức tăng này là do một số đợt giao hàng được thực hiện nhưng số lượng nhỏ.
Ghi nhận thực tế cho thấy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức khá cao nên các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang trì hoãn đơn hàng hoặc đàm phán với khách hàng để điều chỉnh tăng giá hoặc hủy hợp đồng. Tuy nhiên, với giải pháp đàm phán tăng giá, đa phần khách hàng không đồng ý, bởi giá gạo Việt hiện tại đang cao hơn cả Thái Lan, Hoa Kỳ và đứng đầu thế giới.
Giá gạo xuất khẩu tăng đương nhiên sẽ tác động đến giá lúa và gạo nguyên liệu, tạo nên áp lực lớn đối với thị trường trong nước. Liên quan đến tình hình tiêu thụ lúa, gạo những ngày gần đây, ông Huỳnh Văn Danh, Giám đốc Công ty TNHH Vinh Hiển (huyện Gò Công Tây) cho biết, lúa mấy ngày gần đây cao ngất ngưỡng, chẳng hạn lúa 5410 có giá 7.600 đồng/kg, Đài Thơm 8 ở mức 8.000 đồng/kg, Nàng Hoa chạm mức 8.200 đồng/kg.
Nhìn chung, giá lúa đã tăng khoảng 25% so với vụ đông xuân trước đây. Lúa tăng giá kéo theo giá gạo nguyên liệu cũng tăng theo. Cụ thể, gạo Nàng Hoa lên 16.000 đồng/kg, Đài Thơm 15.500 đồng/kg, gạo 5451 có giá 15.000 đồng/kg… “Gạo “chợ” gần đây tiêu thụ chậm nhưng lượng gạo xuất khẩu thì hút nhanh. Mấy ngày nay giá lúa, gạo tương đối ổn định, tuy nhiên với giá giữ như hiện nay không ít doanh nghiệp cũng “mệt mỏi”, nhất là đối với doanh nghiệp kinh doanh gạo nội địa”- ông Huỳnh Văn Danh cho biết.
A.P – TRỌNG ĐẠT
.