Nghe rủ đi Mỹ Tho, Cai Lậy, Cái Bè hay Gò Công là nghĩ ngay đến một chuyến du lịch ở tỉnh Tiền Giang, còn huyện Tân Phước đối với chúng tôi khá lạ. Đã lạ mà còn nghe nói nơi đây nằm trong vùng trũng Đồng Tháp Mười, là “rốn lũ, rốn phèn” của Tiền Giang, nên muốn đi cho biết, có gì để du ngoạn mà được rủ.
Trải nghiệm thú vị
Từ trung tâm hành chính huyện Tân Phước, xe chạy trên đường ĐT867 khoảng 30 km thì rẽ vào con đường có cái tên nghe ngồ ngộ: đường Tràm Mù (gắn với rạch Tràm Mù, cầu Tràm Mù) để vào điểm chính mà chúng tôi được rủ đến. Đó là Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười ở xã Thạnh Tân.
Tên gọi Tràm Mù, được giải thích là nơi mà cây tràm mọc mù mịt, đi đâu cũng thấy cây tràm. Đường Tràm Mù dài 6 km, mặt đường rộng 7 m, lề đường mỗi bên rộng 2,5 m. Mặt đường láng nhựa, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và vận động nhân dân hiến gần 40.000 m2 đất, thành trục giao thông huyết mạch cho các xã phía Tây Bắc của huyện Tân Phước, với định hướng không chỉ tạo thuận lợi phát triển nông nghiệp, mà thúc đẩy cả phát triển du lịch.
Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười được thành lập vào năm 2000, với vùng lõi hơn 100 ha, trong đó 36 ha rừng tràm nguyên sinh là nơi dẫn dụ các loài chim và khoảng 40 ha mặt nước, được xác định là vùng trọng tâm khai thác du lịch, chưa kể vùng đệm xung quanh khoảng 1.800 ha.
Hơn 20 năm được bảo vệ nghiêm ngặt, tạo môi trường sống thuận lợi, an toàn cho các loài động vật, thực vật, khôi phục hệ sinh thái rừng tràm ngập nước chua phèn đặc trưng, các sinh cảnh rừng, các nguồn gien quý, từ đầu năm 2024, khu bảo tồn mới thật sự đón khách du lịch đến chiêm ngưỡng cảnh sắc tiểu vùng Đồng Tháp Mười này. Giờ thì nơi này đã thành nhà của gần 40 loài chim, với trên 12.000 con trú ngụ, 8 loài cá, 19 loài bò sát, 16 loài thú đang sinh sống, trên 6.000 cây bản địa.
Đứng ở bến xuồng, chúng tôi mê hồn bởi rong rêu, bèo tấm phủ xanh mướt mặt nước, ôm hai bên là rừng tràm hút tầm mắt. Nóng lòng muốn được xuống xuồng ngay nhưng anh Lê Thanh Tuấn, Giám đốc điểm tham quan Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, bảo đợi nắng chiều đổ bóng là lúc chim bay về rợp trời, đi ngắm mới thích.
Quả thật, chiều hôm ấy, chúng tôi đã có một trải nghiệm thú vị. Xuồng lướt trên mặt nước, qua từng khúc cua trong rừng tràm lấp lánh nắng vàng xuyên kẽ lá. Rẽ vào âu sen hồng, chúng tôi nghe đàn chim nhún nhảy trên nhiều cây tràm, hòa tấu “bản nhạc rừng” rộn ràng.
Rồi bất ngờ từ lối nhỏ trong rừng tràm, xuồng băng ra khúc ngập trũng rộng mênh mông. Nắng vàng chiếu lên mặt nước, làm sáng bừng cảnh vật. Ai nấy chưa hết tròn xoe mắt trước cảnh vật thì đã cùng ồ lên, khi hàng hàng đàn chim nối nhau bay qua thật đẹp, hót trên không trung, cứ như chúng đang biểu diễn cho những khán giả lia tay chụp ảnh, quay phim thỏa thích.
Nhiều khoảnh khắc ấn tượng
Đã sướng thì phải sướng cho trọn. Tối đến, nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Anh rủ vài người căng lều ngủ trên nhà sàn để canh khoảnh khắc bông súng hé nở lúc đêm, rồi từ từ bung tròn những cánh rực rỡ khoe sắc hồng vào bình minh.
Sáng hôm sau, trời còn tờ mờ, vài người đã thức, lên đài quan sát cao 15 m trong khu bảo tồn, đón bình minh và săn ảnh những đàn chim rời tổ đi kiếm ăn ngày mới.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Anh diễn tả: “Mê hồn không tả hết được. Đứng trên đài cao nhìn rõ hàng vạn chim, cò trên rừng tràm bay lên tuyệt đẹp. Nghe rõ tiếng chim đập cánh trong không gian tĩnh lặng. Khoảnh khắc khó tìm. Tôi tiếc đã không mang theo ống kính dài để chụp rõ hơn từng cánh chim. Tôi sẽ trở lại đây”.
Những người sợ độ cao, chân không vững để lên đài quan sát thì vội vã qua bến xuồng để cảm nhận bình minh nơi đây. Cảnh bình minh mang đến sự mãn nhãn không thua cảnh chiều xuống ngày trước đó. Thảm xanh rong rêu, bèo tấm trên mặt nước có thêm sắc hồng rực rỡ của bông súng. Mọi người tranh thủ chụp ảnh, vì chỉ đến khoảng 9-10 giờ là hoa súng úp cánh.
Không chỉ có chim trời, khu bảo tồn còn nuôi chim bồ câu để tạo sinh cảnh “thành phố bồ câu”. Anh Thanh Tuấn nói “thành phố bồ câu” đã có 20 lồng chim với hơn 100 con đang sinh sôi nảy nở. Chưa kể chim bồ câu rủ bạn từ nơi khác đến, tạo thêm khung cảnh dân dã, hiền hòa.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Anh, người nổi tiếng chụp ảnh cưới trong nghĩa trang liệt sĩ Tiền Giang, chợt nảy ý tưởng các cô dâu – chú rể đến Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười chụp ảnh thì sẽ có một bộ ảnh cưới tuyệt vời, với nhiều khoảnh khắc thiên nhiên ấn tượng.
Đặc sản đất phèn
Trên đường đến Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, đi qua nhiều xã của huyện Tân Phước, nơi nào cũng bạt ngàn đồng khóm. Để chúng tôi được trải nghiệm đời sống người dân địa phương, nhân viên khu bảo tồn đưa mọi người đến xem nông dân thu hoạch khóm.
Nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, đất đai, nguồn nước đều bị nhiễm phèn, hằng năm còn chịu lũ lụt, nên huyện Tân Phước có thể nói là “rốn lũ, rốn phèn” của tỉnh Tiền Giang. Những cây khóm, lúa, khoai mỡ, dưa hấu, thanh long đã trụ được trong tự nhiên khắc nghiệt, như khẳng định Tân Phước không phải là “vùng đất chết”. Đặc biệt, cây khóm thích nghi tốt và sinh trưởng mạnh mẽ nhất, cả huyện có đến gần 16.000 ha.
Chúng tôi bước xuống xuồng cùng người dân vào sâu trong đồng khóm. Hiếu khách, hào sảng, chở khách đi trải nghiệm đồng khóm miễn phí, mấy anh chị nông dân còn tặng chúng tôi cả chục trái khóm gọt ăn tại đồng. Những trái khóm chín vàng, vị ngọt lịm.
Nghe chuyện trồng và thu hoạch khóm, thấy thương sự cực nhọc của nông dân: khóm ra trái phải lấy rơm quấn từng trái để không bị nắng nóng làm khô. Lá cây khóm đầy gai, len vào chăm sóc từng cây hay thu hoạch từng trái khóm, nông dân phải mặc đến 3 lớp quần áo bảo hộ, mang 3 lớp găng tay, mang ủng lội nước phèn, vậy mà trên tay chân họ vẫn có những vết xước. Cực nhọc vậy nhưng không mệt bằng tức tối mấy ông “sóc khóm”.
Nghe nhắc “sóc khóm”, chúng tôi nhớ đặc sản từ vùng khóm Tân Phước có trong thực đơn tiệc nướng buổi tối, được giới thiệu là thịt “sóc khóm”. Thật ra đó là chuột đồng nhưng nhiều người nghe thịt chuột thì ngại ăn, nên bà con nông dân đặt tên chúng là “sóc khóm”.
Anh Thanh Tuấn chia sẻ “sóc khóm” trú ngụ trong đồng khóm, ban đêm kéo nhau ăn khóm chín, làm hư hại rất nhiều, nên nông dân tìm mọi cách bắt chúng. Ăn khóm nên thịt “sóc khóm” thơm. Chị Hương Nhan chưa từng biết món đặc sản đồng này, đã thử một miếng “sóc khóm” nướng, nhận xét: “Ngon mà!”.
Có vùng nguyên liệu khóm lớn như thế nên nhiều người dân Tân Phước đã chế biến mứt khóm, kẹo khóm, thành đặc sản cho du khách có cái mang về làm quà. Tháng cuối năm âm lịch, các cơ sở làm kẹo khóm ở Tân Phước tất bật làm hàng phục vụ mùa Tết. Họ sẵn sàng cho khách vào xem các công đoạn sản xuất, thử sản phẩm trước khi mua.
Nhân viên cơ sở kẹo khóm Tân Phước ở ấp Mỹ Lợi, xã Phước Lập không chỉ giới thiệu kẹo khóm không có chất bảo quản, mà còn tiếp thị: “Lò sên khóm được đun bằng củi tràm Tân Phước, góp thêm hương thơm cho kẹo đó anh chị”. Đúng vậy hay không, khách như không cần tìm hiểu, chỉ nghe họ khen người dân Tân Phước quảng bá chân chất mà đi vào lòng người.
Trong bữa cơm trưa, bếp có món cơm chiên khóm, nước khóm. Từ ăn trái khóm tươi tại đồng đến thưởng thức các món từ khóm, phải nhìn nhận “vị ngọt đất phèn” làm mình nhớ.
Đầy ắp cảm xúc
Tận dụng thời gian, chúng tôi còn viếng thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, chợ Bắc Đông. Chuyến đi ngắn 2 ngày 1 đêm đầy ắp cảm xúc, chúng tôi đã không lạ nữa với Tân Phước trong vùng trũng Đồng Tháp Mười – “rốn lũ, rốn phèn” của Tiền Giang.
Chúng tôi nhớ sự phục vụ tận tình của nhân viên Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Các em đảm nhiệm nhiều việc, từ chèo xuồng đưa khách tham quan, chụp ảnh cho khách, phục vụ bữa ăn, lái xe điện cho khách đi vườn khóm, đưa khách đi chợ, thuyết minh từng điểm…
Nhớ cái quệt tay lau mồ hôi trên trán của các anh nông dân trong đồng khóm, kể chuyện khó nhọc trồng khóm mà vui vẻ, vì biết quê mình đang làm du lịch, nhiều người sẽ biết đến khóm Tân Phước.
Nhớ cô bán khoai muống trong chợ Bắc Đông. Quý khách phương xa đến vùng đồng chua, nước phèn, cô bán hàng hào phóng cắt liên tục mấy củ khoai muống đãi ngay tại chợ cho khách biết đặc sản người dân Tân Phước trồng, không mua cũng được.
Qua 30 năm huyện Tân Phước thành lập, chính quyền và những người dân bám trụ nơi này đã miệt mài cải tạo đất, làm hệ thống thủy lợi tháo chua, rửa phèn, dẫn nước ngọt, xây dựng hệ thống đê bao bảo vệ cây trồng trong mùa lũ.