Ngoài sự chú ý hướng vào hành trình đi tìm cha của bé An, bản điện ảnh Đất rừng phương Nam liên tục hé lộ chi tiết về các tuyến nhân vật phụ với nhiều bí mật…
Tiến Luật từ hài hước trở nên nghiêm nghị và bí ẩn
Gắn liền với hình ảnh hài hước trong hầu hết các dự án điện ảnh trước đây nhưng trong Đất rừng phương Nam, diễn viên Tiến Luật đã thay đổi hình tượng thành nhân vật Tiều nghiêm nghị, bí ẩn, hành nghề mãi võ để nuôi con gái Xinh và cưu mang bé An trong lúc cậu bé đi tìm cha.
Diễn viên Tiến Luật trong Đất rừng phương Nam |
Bên cạnh hành nghề mãi võ để kiếm sống, ông Tiều còn là người của Thiên địa hội – thuộc phong trào hội kín Nam kỳ một thời của người dân Nam bộ nhằm chống lại ách áp bức của thực dân Pháp.
Ở ông Tiều là vẻ nghiêm trang của con nhà võ, sự chính trực của một người dân yêu quê hương, nét dịu dàng của người cha đơn thân khi chăm sóc con gái, đồng thời cũng còn đâu đó những bí ẩn của hội kín mà ông che giấu.
Trong phim, hai cha con ông Tiều lưu lạc khắp chốn để mưu sinh nhưng họ không ngần ngại đón nhận An như một thành viên trong gia đình. Ông Tiều dạy An đánh võ, dạy luôn cả nhân – lễ – nghĩa – trí – tín.
Bé Xinh – Bảo Ngọc luôn giữ nét hồn nhiên
Khác với vẻ nghiêm nghị và ít nói của cha, bé Xinh luôn tươi cười và lạc quan, ánh mắt chưa bao giờ mất đi vẻ hồn nhiên. Dù vậy, Xinh có thể đồng cảm với An bởi cuộc đời hai đứa trẻ đều vắng hình bóng mẹ. Cô bé cũng là người luôn bầu bạn với An lúc cậu cô đơn nhất.
Bằng sự hồn nhiên của mình, Xinh “dạy” cho An cách trò chuyện với mẹ qua ánh trăng rằm. Được biết, đây chính là phân cảnh đề bài khi các diễn viên nhí đến casting cho vai Xinh. Và cũng từ những lần vào vai An để hỗ trợ bạn diễn mà Hạo Khang đã được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cảm thấy cậu bé chính là An.
Hình ảnh nhí nhảnh của bé Xinh trong phim |
Bé Bảo Ngọc trong vai Xinh luôn khiến bầu không khí xung quanh trong trẻo bằng chính tiếng cười giòn tan và trong vắt. Đó cũng là cách Xinh dần kéo An trở về với đúng độ tuổi hồn nhiên của mình sau những mất mát.
Hứa Vĩ Văn học tiếng Pháp để vào vai thầy giáo Bảy
Chỉ xuất hiện với câu thoại duy nhất “Không học ở trường thì mình học ở cuộc đời” trong teaser trailer nhưng Hứa Vĩ Văn đã khiến khán giả ấn tượng.
Thầy giáo Bảy là nhân vật xuất hiện thoáng qua trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi. Trong một buổi chợ náo nhiệt miệt sông nước Cà Mau, An thấy người dân nơi đây kính trọng mời thầy giáo về xem xét một con kỳ đà họ vừa đánh bắt được vì thầy là người trí thức nhất mà họ biết, ma chay cưới hỏi gì cũng vời đến thầy.
Thầy giáo Bảy – Hứa Vĩ Văn |
Trong phim, thầy giáo Bảy của Hứa Vĩ Văn được thay đổi thành thầy giáo của An trong trường Tây, trước khi cậu bé cùng mẹ đi chạy giặc và tìm cha. Khi An luyến tiếc cuộc sống cũ qua câu hỏi: “Vậy từ nay con không được đi học nữa hả thầy?”, thầy giáo Bảy đã trả lời và đây có thể là bài học cuối cùng thầy gởi gắm đến đứa học trò của mình: “Không học ở trường thì mình học ở cuộc đời”.
Được biết, nhà sản xuất phim Đất rừng phương Nam đã mời Hứa Vĩ Văn vào vai diễn này từ hai năm trước và anh đã ngay lập tức chuẩn bị rất kỹ: học nói tiếng Pháp và học hát tuồng cổ do vai diễn thầy Bảy sẽ còn xuất hiện trong một gánh hát.
Phân đoạn chia tay tình cảm của thầy trò |
Nét mặt hiền hậu của Hứa Vĩ Văn được khán giả đánh giá rất phù hợp với hình ảnh người thầy của bé An, người đã dạy An bài học quan trọng nhất của đời người rằng tinh thần học hỏi không bao giờ chỉ nên dừng lại ở mái trường, ở đôi con chữ a bê xê.
Tuấn Trần và hành trình hóa thân Út Lục Lâm
Nhận rất nhiều sự chú ý chỉ sau vai bé An, nhân vật Út Lục Lâm được kế thừa từ bản phim truyền hình và không xuất hiện trong tiểu thuyết gốc của nhà văn Đoàn Giỏi. Đây là một trong những con người, thân phận mà bé An gặp gỡ trong hành trình đi tìm cha.
Tuấn Trần làm xấu mình trong vai Út Lục Lâm |
Tuy nhiên, Út Lục Lâm không phải chỉ là một tên trộm cắp vặt vô tri, hay nói chính xác hơn, đó là cách anh ta đã sống trước khi gặp bé An. Xuất phát từ một phút mủi lòng với cậu bé sau biến cố lớn, An trở thành một nét chấm phá mềm trong lòng Út Lục Lâm.
Tuấn Trần cho biết vai Út Lục Lâm khá khó với anh, vì anh vốn có vẻ bề ngoài dường như rất tích cực và yêu đời. Nhưng sự bất cần đời, ra vẻ hài hước của Út Lục Lâm là cách anh ta đối diện với những khó khăn trong cuộc đời cô độc của mình.
Nam diễn viên lăn xả cho từng cảnh quay |
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ, Tuấn Trần không phải là người có thế mạnh đóng hài và ngoại hình đẹp trai là thứ có thể thay đổi được. Còn sự khác biệt trong các vai diễn của một người diễn viên phụ thuộc vào lý giải nhân vật và diễn xuất của họ.
Anh thấy được năng lượng tích cực ở Tuấn Trần và có niềm tin Tuấn sẽ thể hiện một nhân vật vừa hài hước vừa tình cảm, một người anh ban đầu sẽ dạy hư An nhưng cũng hết mực quan tâm cậu bé.
Một chi tiết hậu trường được ê-kíp chia sẻ, trong cảnh quay mạo hiểm phải nhảy xuống hào nước, Hạo Khang bị miểng chai cắt vào chân chảy máu. Ban đầu, Hạo Khang vẫn một mực muốn được tiếp tục quay phim nhưng ê-kíp đã thuyết phục cậu diễn viên nhí đến bệnh viện để chích ngừa. Và Hạo Khang chỉ đồng ý đi nếu “anh Út” đi cùng.
Tuấn Trần cho hay lúc đó anh đã đi cùng cậu bé đến bệnh viện trong khi vẫn đang giữ một tạo hình cực kì hài hước. Và Hạo Khang cũng liên tục thể hiện nhiều lo lắng ngây ngô về việc chích ngừa và chỉ yên tâm khi được “anh Út” trấn an. Sau sự kiện này, tình cảm của Hạo Khang và Tuấn Trần đã trở nên gắn bó không kém gì bé An và Út Lục Lâm trong phim.
Theo sggp.org.vn
.