Những chiếc bẫy chim ri dần hiện ra trước mắt khi ghe chúng tôi bơi dọc sông Vàm Thuật, đoạn gần sông Sài Gòn.
Chiếc lồng sắt tự chế hình chữ nhật, có cửa sập phía trên, treo lửng lơ cạnh các bãi lau lách. Trong mỗi chiếc bẫy có vài con chim mồi. Trời vừa hửng sáng, những con chim ri bay đi kiếm ăn sẽ bị chính tiếng kêu của đồng loại dẫn dụ sa vào bẫy.
Chiều tối, người đặt bẫy chim đi gom chim về bán sỉ cho các đại lý. Đại lý phân phối lại cho các điểm bán chim phóng sinh nhỏ hơn (thường tập trung trước cổng chùa, đền, miếu). Thị trường chim phóng sinh hình thành như vậy, hoạt động quanh năm và rất nhộn nhịp vào mồng một, ngày rằm, đặc biệt là Rằm tháng Bảy.
Tiến gần hơn vào một bãi lau sậy, chúng tôi gặp người đàn ông đang gom chim từ bẫy vào chiếc lồng lớn hơn. Tôi ước tính có chừng 100 con chim, đang giẫm đạp lên nhau trong chiếc lồng kích thước chỉ chừng 25*35 cm, nhưng anh nói: “có 70 con à”.
Chim ri sau đó được nhập sỉ cho đại lý với giá khoảng 4.500-5.000 đồng/con. Đến tay người mua lẻ, giá tăng cao hơn, dao động 10.000-12.000 đồng/con. Người đặt bẫy nói với tôi, có những người kiếm được khoảng 500.000 đồng mỗi ngày, tức là ít nhất 100 con chim trời bị bắt.
Phóng sinh vốn là một thực hành tốt đẹp của giáo lý nhà Phật, nhưng đã bị biến tướng đến mức trái ngược với mục đích nguyên thủy của nó. Khi hoạt động phóng sinh diễn ra nhộn nhịp theo “đơn đặt hàng”, tạo thành thị trường mua bán thực sự thì ý nghĩa thật của việc phóng sinh không những bị mất đi mà còn thúc đẩy sát sinh.
Với một thành phố sầm uất như TP HCM, bạn không chỉ gặp cảnh bẫy chim ri ở các bến lau sậy dọc sông mà có thể dễ dàng thấy những bẫy chim sẻ trên các cây cao ở Khu dân cư tên lửa Bình Tân chẳng hạn. Ở làng quê, hoạt động bẫy bắt chim còn diễn ra rầm rộ, mạnh bạo hơn nữa.
Trong lần tiếp cận một đầu nậu bán chim ở chợ chim Thạnh Hóa, tỉnh Long An – nơi được gọi là “Địa ngục chim trời”, tôi kinh ngạc khi người này cam kết một lúc có thể cung cấp hàng chục nghìn con chim phóng sinh và sẵn sàng giao hàng ra tận Hà Nội. Thông qua các đầu nậu giống như ở chợ chim Thạnh Hóa, chim bẫy bắt từ khắp nơi được thu gom đưa về các thành phố lớn để bán, nhiều nhất là chim ri, chim sẻ… Ngoài chim, cá, lươn, ốc… cũng được con người phóng sinh.
Chúng trở thành nạn nhân của một trò chơi tàn nhẫn, được che đậy bằng khái niệm phóng sinh nhân văn, của con người. Người đi bẫy cho người đi thả.
Chim “được” phóng sinh có khả năng sống sót không?
Người bẫy chim thừa nhận chim dính bẫy, lại nằm xếp lớp, giẫm đạp nhau trong những chiếc lồng chật hẹp sẽ yếu đi rất nhanh. Sau khi được thả, chúng khó lòng bay xa được. Vì vậy, nhiều người nghi ngờ, chim đã bị người bắt cắt cánh. “Chim mua bán phóng sinh tính theo thiên (một thiên = 1.000 con), ai mà cắt cánh cho nổi”, anh phân bua với tôi, quả quyết rằng không có chuyện những người như các anh cắt cánh chim phóng sinh để dễ bề bắt lại.
Nhiều con chim tội nghiệp đã chết ngay trong lồng phóng sinh, không đợi được đến lúc con người chơi trò “giải cứu” – một hành động không phải phát xuất từ lòng từ bi, mà nhằm tư lợi (cầu thọ, cầu danh, cầu tài…).
Trong buổi chiều quay trở lại sông Vàm Thuật hôm đó, tôi cũng bắt gặp những chiếc bẫy bị người thu gom bỏ quên. Trong một chiếc bẫy, có hai con chim nhỏ vẫn nhảy nhót bên cạnh chừng bảy con chim khác đã chết khô, nằm xếp lớp lên nhau. Có con khi chết miệng còn ngậm chặt vào thành lồng, như đang cố cắn thanh sắt để thoát ra trong tuyệt vọng.
Trước hình ảnh ấy, bạn nghĩ hành vi mua chim về phóng sinh của mình thực chất là trao cho sinh vật cơ hội tiếp tục sống hay tạo cơ hội khiến chúng bị sát sinh?
Theo vnexpress.net
.