Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp (KN&DVNN) tỉnh Tiền Giang và Trung tâm DVNN huyện Tân Phước đã triển khai các mô hình nông nghiệp mới, mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.
KHÓM MD2 MANG LẠI NĂNG SUẤT CAO
Khóm là cây trồng chủ lực của huyện Tân Phước, với khoảng 15.000 ha, chủ yếu là giống khóm Queen. Tuy nhiên, hiện nay, việc canh tác khóm Queen của người dân huyện Tân Phước gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết thất thường làm phát sinh nhiều sâu bệnh. Giống khóm này cũng ngày càng thoái hóa, chi phí đầu tư tăng mà năng suất thấp, đầu ra lại không ổn định.
Năm 2021, Trung tâm KN&DVNN tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện Dự án “Sản xuất khóm MD2 theo hướng GAP gắn sản xuất với tiêu thụ phục vụ nội địa và xuất khẩu” (gọi tắt là Dự án), với quy mô 8 ha tại xã Tân Lập 2 trong thời gian 2 năm (2021 – 2022).
Các hộ nông dân tham gia Dự án được hỗ trợ 50% vật tư nông nghiệp; đồng thời, còn được hướng dẫn quy trình áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất khóm, như: Quản lý dịch hại bằng việc áp dụng các chương trình IPM, ICM, thường xuyên quản lý các mối nguy về sinh học, hóa học và vật lý trong đất, nước và quá trình sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”.
Đặc biệt, các hộ được hướng dẫn ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, đảm bảo thời gian cách ly, thu hoạch đúng độ chín, quản lý và xử lý chất thải đúng theo quy định, ghi chép sổ nhật ký, lưu giữ hồ sơ.
Ông Lê Văn Neo, ở ấp 2, xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước thực hiện Mô hình “Nuôi cá chép Nhật trong ao” mang lại hiệu quả kinh tế. |
Qua 2 năm thực hiện, Dự án đạt kết quả khả quan với năng suất khóm MD2 trong Dự án cao hơn so với năng suất khóm Queen đối chứng trung bình 17%, tỷ lệ khóm thương phẩm đạt chuẩn xuất khẩu cao hơn nên các hộ trong Dự án có đầu ra sản phẩm ổn định.
Sản phẩm khóm từ Dự án được Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quyết Thắng bao tiêu với giá khoảng 10.000 đồng/kg, đảm bảo cung cấp hằng tháng hơn 4 tấn khóm cho Công ty TNHH Ann Homies. Qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Theo tính toán của HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, mỗi ha trồng khóm MD2 thu hoạch khoảng 35 tấn, lợi nhuận bình quân 254 triệu đồng/ha/năm, cao hơn lợi nhuận của khóm Queen sản xuất theo kiểu truyền thống trung bình 177,7 triệu đồng/ha/năm.
Cùng với đó, các hộ dân tham gia Dự án còn tận dụng tối đa nguồn khóm phụ phẩm sau thu hoạch (khóm không đạt, không đủ chuẩn…) để cung cấp cho hộ dân trong địa phương ủ vi sinh làm thức ăn cho gia súc hoặc làm thức ăn cho cá, tránh được tình trạng vứt nguồn khóm phụ phẩm xuống kinh, mương… gây ô nhiễm môi trường nước.
Mỗi tháng HTX Nông nghiệp Quyết Thắng cung cấp khoảng 300 kg khóm phụ phẩm, với giá 1.500 đồng/kg, đem lại thu nhập tăng thêm khoảng 450.000 đồng so với hộ trồng khóm truyền thống.
Qua thời gian triển khai thực hiện, Dự án được đánh giá cho hiệu quả cao về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, góp phần tăng thu nhập cho nông hộ. Do đó, việc chuyển đổi giống cây trồng mới, trong đó trồng giống khóm MD2 là hướng đi hợp lý và lâu dài trong tình hình sản xuất khóm hiện nay ở huyện Tân Phước.
HƯỚNG ĐI MỚI CHO NGHỀ NUÔI THỦY SẢN
Tình hình nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Tân Phước rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, hiện nay các mô hình nuôi thủy sản chủ yếu là tự phát và nhỏ lẻ, người dân chưa nắm vững kỹ thuật và các thông tin về thị trường nên còn gặp nhiều khó khăn, như chi phí nuôi cao, hiệu quả kinh tế thấp, dễ gặp rủi ro…
Trước tình hình đó, Trung tâm DVNN huyện Tân Phước đã triển khai Mô hình “Nuôi cá chép Nhật trong ao” tại hộ ông Lê Văn Neo, ở ấp 2, xã Tân Lập 1, với quy mô 500 m2 mặt nước, thả nuôi 4.000 con, bằng thức ăn công nghiệp. Trong quá trình nuôi, ông Lê Văn Neo được trung tâm tập huấn kỹ thuật về quy trình nuôi sạch, hạn chế dùng kháng sinh; đồng thời, hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất, tình hình cá ăn, tăng trọng của cá, tỷ lệ tiêu thụ thức ăn, tỷ lệ sống, tình trạng bệnh và các yếu tố môi trường.
Sau hơn 7 tháng thực hiện, Mô hình “Nuôi cá chép Nhật trong ao” tại hộ ông Lê Văn Neo đã thu được nhiều kết quả khả quan, tạo thêm bước đi trong hoạt động nuôi thủy sản của huyện Tân Phước. Quá trình nuôi, tỷ lệ sống của cá đạt 97% (cao hơn 17% so với mục tiêu), trọng lượng trung bình 200 gram/con, giá bán 75.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mô hình đạt lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng. Sau 1 vụ nuôi, ông Lê Văn Neo rất tâm đắc với Mô hình “Nuôi cá chép Nhật trong ao”.
Ông Neo cho biết, ban đầu bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi cá chép Nhật này, ông cũng khá lo lắng nhưng hiện nay các mô hình thủy sản ở địa phương đều rất bấp bênh và nhiều rủi ro, nên sau khi tìm hiểu và được khuyến nông địa phương hỗ trợ vật tư, kỹ thuật, ông đã mạnh dạn đầu tư và thực hiện. Với kết quả đạt được sau xuất bán vụ đầu tiên, ông thêm tin tưởng và dự kiến mở rộng mô hình với diện tích 1.000 m2.
Hiệu quả của Mô hình “Nuôi cá chép Nhật trong ao” không chỉ là lợi nhuận về kinh tế, mà còn giúp các hộ dân phát triển đa dạng các loài thủy sản, thực hiện quy trình nuôi an toàn, hiệu quả đem lại thu nhập cao; đồng thời, tạo ra hướng đi mới cho ngành Thủy sản của vùng đất phèn Tân Phước.
CAO THẮNG – NGỌC HÂN
.