Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến đầu tháng 5/2024, địa phương đã đạt sản lượng thu hoạch từ nuôi trồng và khai thác gần 80.000 tấn thủy sản các loại, đạt 25,27% chỉ tiêu cả năm. Tiền Giang phấn đấu trong năm 2024 đạt sản lượng thủy sản trên 320.000 tấn thủy sản các loại phục vụ nhu cầu thị trường.
Đáng mừng là trong các tháng đầu năm, giá các mặt hàng thủy sản chủ lực của tỉnh đều tăng khá, mang lại lợi nhuận, giúp người dân ổn định và nâng cao mức sống. Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, giá các loại thủy sản như: tôm, cá da trơn, cá nuôi bè… trong tháng 4 đã tăng khá so với tháng 3.
Cụ thể, tôm sú thương phẩm có giá trong khoảng 175.000 đồng/kg đến 200.000 đồng/kg, tăng từ 10.000 đồng đến 25.000 đồng/kg so với tháng trước; tôm thẻ giá trong khoảng 85.000 đồng đến 118.000 đồng/kg tùy cỡ, tăng từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/kg so với tháng trước; giá cá tra thương phẩm dao động trong khoảng 27.500 đồng đến 28.000 đồng/kg, tăng 1.500 đồng đến 2.000 đồng/kg so với tháng trước; giá cá bè dao động từ 27.000 đồng đến 28.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với tháng trước…
Tiền Giang án ngữ hai cửa sông lớn là soài Rạp và Cửa Tiểu có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển. Tỉnh xem đây là một trong những mũi nhọn cần phát huy nhằm tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội bền vững, vừa thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.
Trong đó, tỉnh chú trọng cả hai thế mạnh là nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Về đánh bắt, toàn tỉnh có đội tàu đánh bắt 1.276 phương tiện với tổng công suất 403.990 kW, thu hút 9.150 thuyền viên hoạt động trực tiếp trên tàu. Các huyện ven biển Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, thành phố Gò Công tập trung nhiều phương tiện đánh bắt với đội ngũ ngư phủ lành nghề, có nhiều kinh nghiệm đánh bắt ở các ngư trường khơi xa, góp phần giữ gìn biển đảo quê hương.
Về nuôi trồng, địa phương cũng có nhiều giải pháp phát huy tiềm năng thủy sản ở các vùng sinh thái theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả nghề nuôi thủy sản, giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho người dân; nhất là những địa bàn khó khăn, thiên nhiên khắc nghiệt như: ven biển, ven cửa sông, khu vực nhiễm phèn Đồng Tháp Mười, vùng cù lao nhiễm mặn hạ lưu sông Tiền tiếp giáp biển Đông…
Đối với những địa bàn ven biển như: Gò Công Đông, Tân Phú Đông, tỉnh định hướng phát triển những vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến, vùng nuôi tôm thâm canh, vùng nuôi luân vụ lúa + tôm, vùng nuôi theo mô hình công nghệ cao 2 – 3 giai đoạn…
Các huyện, thị vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang): Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy chú trọng mở rộng diện tích mặt nước đưa vào nuôi các loại thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao, ương dưỡng cá giống, nhân và cung ứng cá cảnh các loại hoặc nuôi thủy sản lồng bè trên sông Tiền…
Công tác chuyển giao khoa học – công nghệ được tỉnh quan tâm nhằm giúp nông dân nắm vững kỹ thuật, nhân rộng những mô hình nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa góp phần bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có trên 38 ha cá da trơn theo hướng GAP, 20 bè cá nuôi theo tiêu chí VietGAP; 2.000 ha nghêu ven biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông) đạt chứng nhận tiêu chuẩn MSC/ASC về xây dựng và phát triển bền vững nghề nuôi nghêu cho sản lượng mỗi năm từ 18.000 tấn đến 20.000 tấn nghêu thương phẩm; vùng tôm + lúa ở huyện Tân Phú Đông trồng lúa theo tiêu chí GlobalGAP và nuôi tôm an toàn sinh học… Từ đó, cho ra những sản phẩm thủy sản an toàn cho sức khỏe và môi trường, được thị trường ưa chuộng.
Mộng Tuyết