NHÀ THƠ TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH TIỀN GIANG:
Đại hội Đại biểu Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 – 2029 khai mạc vào sáng nay (ngày 24-4) tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Đại hội quy tụ 120 đại biểu đại diện cho hơn 400 hội viên ở 6 chuyên ngành, gồm: Văn học, Âm nhạc, Sân khấu, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Múa.
Đây là đợt sinh hoạt chính trị và nghề nghiệp quan trọng của trí thức văn nghệ sĩ tỉnh Tiền Giang, góp phần tích cực để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa, văn nghệ.
Trao đổi với phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc về kết quả của nhiệm kỳ vừa qua và những nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ tới, Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang cho biết:
Nhiệm kỳ qua mặc dù có nhiều khó khăn, nhất là chịu ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nhưng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã không ngừng phấn đấu, tìm tòi đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.
Hội đề xuất và lãnh đạo thực hiện thành công nhiều hoạt động văn học nghệ thuật không chỉ ở cấp tỉnh mà ở cấp khu vực, giúp cho các văn nghệ sĩ có điều kiện phát huy tài năng, có cơ hội giao lưu học hỏi với các đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, các hoạt động này đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, văn nghệ trong tỉnh.
Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã quy tụ được đông đảo các văn nghệ sĩ, duy trì tốt các hoạt động nghề nghiệp, các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, mở nhiều trại sáng tác, tổ chức nhiều chuyến đi thực tế để các hội viên nâng cao chất lượng tác phẩm. Đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh Tiền Giang ngày càng lớn mạnh cả về số lượng, trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị được nâng cao, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Từ nguồn kinh phí của Chính phủ, Hội đã xét, hỗ trợ hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật đúng đối tượng, kịp thời động viên, khuyến khích anh chị em văn nghệ sĩ hăng say lao động, sáng tạo văn học nghệ thuật, tạo nên nhiều tác phẩm mới có giá trị. Bên cạnh đó, hoạt động của Hội đã góp phần lớn vào việc quảng bá, giới thiệu vùng đất, con người Tiền Giang.
Ra mắt Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Tiền Giang. |
* PV: Hoạt động văn học nghệ thuật Tiền Giang đã để lại những dấu ấn gì trong nhiệm kỳ qua, thưa nhà thơ?
* Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa: Từ việc triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển văn học nghệ thuật tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2014 – 2024, hoạt động văn học nghệ thuật đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Đời sống văn học nghệ thuật ở Tiền Giang khá phong phú và sôi nổi với nhiều hoạt động mang tính chuyên nghiệp lẫn các hoạt động phong trào.
Hội đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức xét trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ Khoa Huân lần thứ III cho 13 tác giả đã có nhiều cống hiến về sáng tác và công sức xây dựng phong trào văn học nghệ thuật của tỉnh.
Trong nhiệm kỳ qua, văn nghệ sĩ Tiền Giang đã đoạt trên 80 giải thưởng văn học nghệ thuật ở cấp Trung ương và khu vực. Ngoài ra, có hơn 400 tác phẩm đạt giải thưởng ở các cuộc thi cấp tỉnh và các cuộc thi do các ngành, các cấp tổ chức.
Trong hoạt động liên kết, Tiền Giang đăng cai thành công 2 Cuộc thi Sáng tác bài ca vọng cổ (năm 2017 và 2019) và Cuộc thi Sáng tác ca khúc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (năm 2022). Phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội thảo “Mỹ thuật trẻ và nghệ thuật đương đại phía Nam” tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Tuyển chọn và xuất bản 2 tập sách rất có giá trị là: “Thơ Tiền Giang, 20 năm đầu thế kỷ XXI” và “Truyện ngắn Tiền Giang, 20 năm đầu thế kỷ XXI”, quy tụ gần như đầy đủ những gương mặt văn chương của tỉnh Tiền Giang trong gần 2 thập kỷ qua.
Dấu ấn kế tiếp của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đó là việc ra mắt Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Tiền Giang, đây là chi hội thứ hai ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được thành lập, góp phần tạo nên không khí sôi nổi trong sinh hoạt văn chương tỉnh nhà.
Hội thảo Phong trào mỹ thuật trẻ và nghệ thuật đương đại phía Nam khu vực VI-VII-VIII tại Tiền Giang vào ngày 8-12-2023. |
* PV: Để hoạt động văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển mạnh mẽ, toàn diện, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đề ra những phương hướng trong nhiệm kỳ 2024 – 2029 như thế nào, thưa nhà thơ?
* Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa: Trong nhiệm kỳ mới, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu kết nạp thêm ít nhất 60 hội viên mới, giới thiệu kết nạp 15 hội viên vào các Hội chuyên ngành Trung ương.
Hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động; tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá các tác phẩm của hội viên. Tiếp tục xây dựng Đề án Phát triển văn học nghệ thuật tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2025 – 2035 và những năm tiếp theo trình UBND tỉnh phê duyệt.
Thường xuyên củng cố, kiện toàn, đổi mới phương thức hoạt động tổ chức Hội đủ sức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ văn nghệ sĩ hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Biểu diễn các ca khúc đoạt giải trong Cuộc thi Sáng tác ca khúc Đồng bằng sông Cửu Long do tỉnh Tiền Giang đăng cai năm 2022. |
Bên cạnh đó, Hội tiếp tục chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, duy trì các hoạt động văn học nghệ thuật truyền thống; đồng thời, từng bước hiện đại hóa và xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong tỉnh.
Thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động văn học nghệ thuật, như: Triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh nghệ thuật, xuất bản các ấn phẩm, các buổi giao lưu âm nhạc, sân khấu, các cuộc thi văn học nghệ thuật… nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh.
Trước mắt, sau Đại hội Đại biểu Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 – 2029, chúng tôi sẽ bắt tay triển khai ngay các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất theo Kế hoạch 390 ngày 15-11-2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương và Kế hoạch 123 ngày 9-1-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang.
Thông qua hoạt động này để đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện nền văn học nghệ thuật của tỉnh 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; khẳng định thành tựu, chỉ rõ hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn học nghệ thuật Tiền Giang trong giai đoạn mới.
* PV: Xin cảm ơn nhà thơ!
KHÁNH NHƯ
(thực hiện)
.