Sáng ngày 15/11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”. Đồng chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tham dự tại điểm cầu Tiền Giang có đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Lao động – Thương binh và Xã hội; Giao thông Vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Công an tỉnh; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Phòng Khoa giáo – Văn xã; Báo Ấp Bắc; Đài Phát thanh và Truyền hình. Cùng dự Hội nghị còn có Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh và đại diện 15 doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang
Trong Hội nghị, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao, Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2023 trong bối cảnh quốc tế, trong nước còn nhiều thách thức, song với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của Bộ VHTT&DL, sự tích cực phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật: Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành kịp thời; Các vấn đề tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế có chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là thủ tục xuất nhập cảnh, thị thực; Sản phẩm du lịch được làm mới, hấp dẫn hơn và có khả năng cạnh tranh tốt hơn; Nhiều điểm đến mới được đầu tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được cải thiện; Công tác phát triển du lịch được phát triển đặt trong tổng thể công tác văn hóa đối ngoại, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, hoạt động thể thao, hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại; Các sự kiện du lịch được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, có sức hấp dẫn, lan tỏa tại các địa phương, nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí, đóng góp của ngành du lịch có chuyển biến tích cực.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. Theo báo cáo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Cùng với đó, Du lịch Việt Nam nhận 54 giải thưởng của Giải thưởng World Travel Awards 2023, nổi bật là giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á 2023” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2023”, tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam trên trên bản đồ du lịch thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo, của ngành, của cộng động doanh nghiệp.
Các đại biểu dự Hội nghị nghe ý kiến thảo luận của các bộ, ngành, địa phương
Tại Tiền Giang, song song với việc chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp phục hồi du lịch trong năm 2023, cụ thể: tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU; ban hành Kết luận số 481-KL/TU ngày 07/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 05/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; lập Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có hợp phần về du lịch (phương án phát triển và bố trí không gian hạ tầng ngành du lịch và hình thành các sản phẩm đặc thù) và đang hoàn chỉnh trình Chính phủ phê duyệt,…
Kết quả, lượt khách du lịch đến tỉnh trong năm tăng trưởng mạnh, đặc biệt là khách quốc tế. Tính từ đầu năm đến nay, tổng lượt khách du lịch đến Tiền Giang là 1.083.346 lượt, tăng 81,3% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế 348.213 lượt, tăng 4,9 lần so với cùng kỳ, vượt 39% kế hoạch năm. Tổng thu đạt 744,7 tỷ đồng, tăng 136,6% so với cùng kỳ.
Tại Hội nghị, các bộ, ngành; các chuyên gia về du lịch; tập đoàn, doanh nghiệp làm du lịch và lãnh đạo các địa phương có thế mạnh về du lịch đã có nhiều ý kiến chia sẻ về tình hình phát triển du lịch; nêu lên những khó khăn, hạn chế mà ngành Du lịch đang phải đối mặt; đồng thời đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm ra các động lực tăng trưởng mới để phát triển nhanh và bền vững.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội để tiếp tục phát triển thời gian tới. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương và các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ với phương châm “liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện”, trong đó tập trung các nhiệm vụ trọng tâm sau:
(1) Thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia, vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn. Hình thành các liên kết vùng động lực tăng trưởng du lịch.
(2) Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập.
(3) Xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh.
(4) Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
(5) Tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa.
(6) Đẩy nhanh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam./.
Tuyết Mai