(ABO) “Ai còn cha xin đừng làm cha khổ/ Hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu/ Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/ Đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không”.
Mỗi năm, cứ gần đến ngày trăng tròn tháng 7 âm lịch và cũng là tiết giao mùa cuối hạ sang thu, lá vàng rụng xuống, lá xanh mọc lên, hoa lá bắt đầu chớm nở. Thời tiết thay đổi, lòng người cũng đổi thay để chuẩn bị đón Lễ Vu Lan về, đó là mùa báo ân cha mẹ. Những ngày này, có nhiều người dù già hay trẻ, trai hay gái đến dự Lễ Vu Lan. Họ thành kính và ngập tràn cảm xúc biết ơn khi đón nhận một bông hoa hồng cài lên ngực áo.
Bông hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu chân thành, son sắc, cao quý, ngát hương. Việc nhớ về các đấng sinh thành và cài lên ngực bông hồng là thứ tình cảm đẹp nhất và nhắc nhở mọi người về giá trị của chữ “Hiếu” cũng như ơn nghĩa của đấng sinh thành.
“Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”, thật vậy, cha mẹ sinh con ra, nuôi con khôn lớn chỉ mong con sẽ thành công và hạnh phúc. Cha vất vả đi làm sớm khuya, lo bữa cơm manh áo cho gia đình. Cha đôi lúc khó tính, la mắng khi con sai, nhưng luôn âm thầm theo dõi khi con cười, con khóc… Thương con, cha không bao giờ nói nhưng luôn mong con khôn lớn, làm những điều đúng đắn, không làm những điều trái với lương tâm.
Còn mẹ, mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, mẹ tần tảo nuôi con, lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ. Mẹ không bao giờ than khổ, ngại khó, mẹ yêu thương con bằng tất cả những gì mẹ có thể. Tình mẹ bao la như sông dài, biển rộng. Trong buổi Lễ Vu Lan thiêng liêng, ai còn cha mẹ sẽ được cài lên ngực áo một đóa bông hồng đỏ thắm, đó như một lời nhắc nhở rằng mình vẫn còn cả cha và mẹ, còn cả một bầu trời yêu thương cao rộng để cảm nhận niềm hạnh phúc và tự nhủ luôn cố gắng để cha mẹ yên lòng.
Ai mất cha hoặc mẹ thì nhè nhẹ cài lên ngực mình đóa hồng nhạt. Những ai không may mất đi cả hai đấng sinh thành thì cài lên ngực bông hồng trắng – màu của ký ức. Màu trắng tuy buồn thương nhưng thanh khiết như động viên người con thảo hãy sống thật tốt dù đấng sinh thành vắng bóng. Bông hồng trắng còn muốn nhắc nhở người con phải sống thật tốt, ý nghĩa để người ra đi cảm thấy tâm hồn được an nhiên, thanh thản và không còn vướng bận chuyện trần gian.
Riêng bông hồng vàng sẽ cài lên ngực áo của chư tôn Thiền đức. Màu vàng là màu của đạo Phật – thể hiện sự giải thoát, cưu mang, tuệ giác. Bông hồng vàng đại diện cho sự phổ độ chúng sinh, mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để giải thoát sự cứu độ chúng sinh đạt tới sự giác ngộ là cách để báo đáp ân tình, báo hiếu cha mẹ ở hiện tại và các đời khác. Những tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn tất cả chúng sinh, việc cài bông hồng vàng thể hiện tấm lòng cao quý, tâm hồn cao cả.
Trong dịp Lễ Vu Lan, mọi người ngoài việc lên chùa cài bông hồng, tụng kinh cầu siêu, cúng dường trai tăng… còn thiết mâm lễ xá tội vong nhân. Trong ngày Lễ Vu Lan, người con nói những lời ân tình, có thể tặng món quà nhỏ cho cha mẹ mình. Những người đã mất cha mẹ thì hãy làm điều lành để chia sẻ đến cha mẹ hoặc lên chùa tụng kinh, niệm phật, cúng dường, phóng sanh cầu siêu cho cha mẹ. Người dân cũng sửa soạn bàn thờ tổ tiên sao cho ấm cúng với hương hoa, sắm sửa tại gia đình.
Ngoài ra, mọi người cũng nên làm từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, mảnh đời cơ nhỡ để tạo công đức, chia sẻ năng lượng đến cha mẹ. Bông hồng cài áo mùa Vu Lan có thể chỉ là hình thức về nghi lễ, nhưng thực sự là cần thiết để nhắc nhở mọi người giữa nhịp sống hối hả, giữa cuộc đời bộn bề bon chen, hãy sống chậm lại, và nhìn gần lại, ngay xung quanh mình là những người thân đã – đang và sẽ vẫn dành tình cảm yêu thương cho cuộc đời mình.
VÕ MINH LUÂN
.