Đến Tổ phụ nữ đan lục bình, ở ấp Ông Cai, xã Tân Trung, TX. Gò Công, tỉnh Tiền GIang, chúng tôi thấy chị Phạm Thị Mỹ Hằng, người “Chủ nhiệm” tổ lúc nào cũng cười nói vui vẻ và luôn tất bật kiểm tra các sản phẩm đan từ lục bình, với tinh thần chất lượng sản phẩm là trên hết.
Chị Hằng, sinh năm 1971, trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà lại đông anh em, nên chị phải nghỉ học, đi làm công nhân tại Hợp tác xã (HTX) Bình Minh (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) để có thu nhập phụ giúp gia đình. Với bản tính nhanh nhạy, hoạt bát, chẳng bao lâu chị Hằng đã thành thạo với công việc. Đến năm 2007, chị Hằng có ý tưởng nhận hàng về nhà đan gia công và đã mạnh dạn bắt tay vào thực hiện. Từ nguồn vốn tích lũy hơn 10 triệu đồng, cùng với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Trung đã giúp chị vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Gò Công để đầu tư mua các vật liệu như kẽm làm khuôn, nguyên liệu lục bình, dây cối…
Chị Hằng giới thiệu các sản phẩm đan từ lục bình do tự mình thiết kế. |
Chị Hằng cho biết, đầu tiên là chị nhận hàng gia công từ Công ty Đan lục bình Thống Nhất Linh (TP. Mỹ Tho), với số lượng hơn 3.000 giỏ đựng đồ trang điểm, giỏ đi chợ. Ban đầu, tự thân vợ chồng chị hướng dẫn cho các chị em trong xóm đan giỏ. Đến khi chị em nào quen việc, chị Hằng sẽ cho lãnh hàng về nhà làm, còn chị em nào đan chưa thành thạo thì ở lại đan hàng tại chỗ. Chị Hằng luôn tận tâm với công việc nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, khẳng định uy tín nên các mặt hàng đan từ lục bình của cơ sở chị Hằng được nhiều đối tác không chỉ trong tỉnh Tiền Giang, mà ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai… tìm đến đặt hàng.
Nói về chị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Trung Nguyễn Thị Hoàng Oanh cho biết, với những gì có được hôm nay, chị Hằng, Chủ nhiệm Tổ phụ nữ đan lục bình đã chứng minh được bản lĩnh, tinh thần khởi nghiệp vượt khó của phụ nữ. Chị đã hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp bằng niềm tin, sự sáng tạo và ý chí nghị lực của bản thân để không chỉ mang về thành công cho bản thân, mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. |
Đến năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Trung tổ chức ra mắt Tổ phụ nữ đan lục bình, vận động nhiều chị em tham gia; tín nhiệm bầu chị Hằng làm Chủ nhiệm Tổ phụ nữ đan lục bình. Không chỉ quản lý tổ, chị Hằng còn trực tiếp hướng dẫn những lao động mới, tìm đầu ra và luôn sáng tạo, thiết kế nhiều mẫu mới, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đơn hàng ngày càng nhiều, cơ sở đan lục bình của chị Hằng đã tạo việc làm nhiều hơn cho chị em lao động nông nhàn tại địa phương. Thoăn thoắt đan từng cọng lục bình, chị Võ Ngọc Thúy chia sẻ: “Trước đây, tôi đi làm thuê, nhận xếp áo mưa tại nhà, nhưng thu nhập thấp, cuộc sống khá vất vả. Và hơn 1 năm qua, tham gia đan lục bình tại Tổ phụ nữ đan lục bình do chị Hằng làm chủ nhiệm, có được việc làm thường xuyên nên thu nhập ổn định, với hơn 4 triệu đồng/tháng”.
Bên cạnh tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, chị Hằng còn thu mua lục bình từ những người dân ở địa phương. Chị Hằng cho biết: “Thấy lục bình trên các kinh rạch trên địa bàn khá nhiều nên tôi đã nói với những người dân địa phương, nhất là những người giăng lưới vừa bắt cá vừa vớt lục bình phơi khô, rồi bán lại cho Tổ phụ nữ đan lục bình, mỗi kg lục bình khô được tổ thu mua với giá 20.000 đồng, vừa giúp thông thoáng kinh rạch, vừa có thêm thu nhập”.
Nói về những dự định sắp tới, chị Hằng cho biết là chị mong muốn sản phẩm của Tổ phụ nữ đan lục bình sẽ có thương hiệu trên thị trường và trực tiếp được xuất đi nước ngoài, thay vì gia công cho các doanh nghiệp trung gian như hiện nay, có như vậy mới nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho chị em.
PHƯƠNG MAI
.