TƯỞNG NIỆM 159 NĂM NGÀY ANH HÙNG DÂN TỘC TRƯƠNG ĐỊNH TUẪN TIẾT (20-8-1864 – 20-8-2023)
(ABO) Anh hùng dân tộc (AHDT) Trương Định – người con ưu tú của dân tộc ta. Ông sinh ra, lớn lên trên đất Quảng Ngãi. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn với vùng đất Gò Công và những trang sử vẻ vang trong giai đoạn đầu chống quân Pháp xâm lược. Năm 1864, ông đã nằm lại với mảnh đất Gò Công, để lại trong nhân dân miền lục tỉnh Nam kỳ nói chung, nhân dân Tiền Giang nói riêng niềm tiếc thương và sự kính yêu vô hạn – tấm gương kiên trung, bất khuất, một đời chiến đấu vì nước vì dân, sống oanh liệt, chết vẻ vang mà ông và nghĩa sĩ của ông để lại cho hậu thế.
Cứ đến trung tuần tháng 8 hằng năm là người dân vùng Gò Công nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung rộn ràng chuẩn bị tưởng niệm Ngày AHDT Trương Định tuẫn tiết (20-8).
Tượng đài AHDT Trương Định giữa trung tâm TX . Gò Công. Ảnh: Quyên Vũ |
Năm 1844, lúc 24 tuổi, ông theo cha vào Nam, đến xứ Gò Công lập nghiệp nhưng ông không theo con đường làm quan. Đến năm 1854, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của triều đình nhà Nguyễn, ông đứng ra chiêu mộ dân nghèo, lập đồn điền khai hoang lập ấp ở Gia Thuận (thuộc huyện Gò Công Đông ngày nay) và xây dựng đội quân là lính đồn điền để khi có chiến tranh sẵn sàng tham gia chiến đấu với quân đội chính quy. Sau đó, ông được triều đình nhà Nguyễn phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản cơ, nên gọi là Quản Định.
Tháng 2-1859, giặc Pháp đánh thành Gia Định, ông đưa cơ binh gia nhập đội quân của triều đình chống giặc và lập được nhiều chiến công. Một trong những chiến công nổi bật là phục kích giết chết tên đại úy Barbé, trừng trị những tên tay sai, tiến công giặc Pháp ở Gia Thạch, Rạch Gầm và nhiều lần đánh đồn Kỳ Hòa (Sài Gòn). Khi Gia Định thất thủ, ông rút quân về Gò Công đắp lũy, hàn sông, tập hợp lực lượng, quyết tâm đánh giặc Pháp xâm lược.
Tại nhà ông Đoàn Văn Lâu, đêm 19 rạng ngày 20-8-1864, AHDTTrương Định cùng 25 nghĩa quân bị Huỳnh Công Tấn đến bao vây. |
Năm 1862, triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Nhâm Tuất, giao đảo Côn Lôn và 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ cho giặc Pháp, ra lệnh cho Trương Định phải bãi binh và nhận chức Lãnh binh ở tỉnh An Giang. Đứng trước nỗi đau Tổ quốc bị quân Pháp giày xéo, nhân dân 3 tỉnh miền Đông, đặc biệt là nhân dân Gò Công quyết không buông vũ khí. Trương Định từng dấy binh đánh đông dẹp bắc, từng xây dựng căn cứ kháng chiến, được nhân dân suy tôn là “Bình Tây Đại Nguyên soái”.
Chính ông bằng sự chỉ huy tài tình, với lý tưởng cao đẹp, những đức tính quý báu và hành động quả cảm đã làm rạng rỡ vùng đất Gò Công. Cuộc khởi nghĩa ở Gò Công trở thành trung tâm của phong trào kháng chiến rộng lớn của nhân dân ta ở lục tỉnh Nam kỳ.
Lăng mộ và Đền thờ AHDT Trương Định tọa lạc trên đường Phan Đình Phùng, TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang. |
Ngày 20-8-1864, do sự phản bội của Huỳnh Công Tấn, căn cứ kháng chiến của ông bị bao vây. Trong cuộc chiến đấu không cân sức, ông bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông dùng gươm tuẫn tiết. Khởi nghĩa Trương Định là cuộc đấu tranh tiêu biểu nhất, có ảnh hưởng và ý nghĩa to lớn trong giai đoạn đầu của phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân Nam kỳ ở nửa cuối thế kỷ XIX.
Sau khi Trương Định hy sinh, thi hài ông được gia đình và nhân dân mang về an táng trọng thể tại một địa điểm nay thuộc TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Năm 1964, ngôi mộ được tu bổ khang trang và giữ nguyên dáng dấp đến ngày nay, dù đã qua nhiều lần trùng tu.
Hằng năm, Lễ tưởng nhớ ông đều được tổ chức long trọng vào ngày 20-8. |
Đến năm 1972, đền thờ ông cũng được nhân dân xây dựng trên đất Gò Công. Ở quê nhà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), sau ngày Trương Định tuẫn tiết, triều đình Huế đã cho xuất tiền xây dựng đền thờ ông tại làng Tư Cung và giao cho các quan tỉnh Quảng Ngãi tế lễ hằng năm. Ngôi đền đã bị hư hại trong chiến tranh và mất hẳn dấu vết.
Năm 2007, thể theo nguyện vọng của nhân dân và cũng để tỏ lòng tri ân người anh hùng đã hy sinh vì nghĩa lớn, huyện Sơn Tịnh và tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng lại Đền thờ Trương Định để làm nơi hương khói.
Đền thờ Trương Định tại Quảng Ngãi được xếp hạng Di tích Quốc gia. |
Năm 2016, nhân Lễ giỗ lần thứ 152 Ngày AHDT Trương Định tuẫn tiết 20-8, UBND TX. Gò Công tổ chức Lễ đón nhận Bằng chứng nhận Lễ hội Trương Định là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và đón nhận Bằng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh mộ bà Trần Thị Sanh (vợ thứ của AHDT Trương Định).
Trao Bằng chứng nhận Lễ hội Trương Định là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. |
Trao Bằng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh mộ bà Trần Thị Sanh. |
Trước đó, vào dịp Lễ giỗ lần thứ 149, UBND TX. Gò Công đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng tôn vinh giá trị kỷ lục Việt Nam, với 3 công trình được tôn vinh gồm: Đền thờ và Lăng, Tượng đài AHDT Trương Định và quyển sách gỗ mộc bản “Tiểu sử Trương Định” bằng 3 thứ tiếng.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong thời gian qua, tỉnh và TX. Gò Công đã trùng tu, tôn tạo các di tích từng gắn liền với cuộc đời và hoạt động của AHDT Trương Định, trong đó có 3 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, gồm: Đền thờ AHDT Trương Định ở xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông), Lũy pháo đài (huyện Tân Phú Đông) và Đền thờ, Lăng mộ AHDT Trương Định ở TX. Gò Công.
Sự kiện tôn vinh giá trị kỷ lục cho 3 công trình di tích lịch sử và đón nhận Bằng chứng nhận Lễ hội AHDT Trương Định là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia không chỉ góp phần nâng cao giá trị di sản lịch sử, văn hóa cho thế hệ kế thừa, niềm tự hào về tấm gương kiên trung, bất khuất của AHDT Trương Định, mà còn có ý nghĩa để giáo dục truyền thống yêu nước của ông cha ta cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
H.LÊ – N. NGỌC (tổng hợp)
.